60 triệu cổ phiếu PXS bị hủy niêm yết bắt buộc

Kể từ ngày 24/06/2022, 60 triệu cổ phiếu PXS trị giá 600 tỷ đồng sẽ chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE do kết quả kinh doanh bết bát trong nhiều năm liên tiếp.

60 triệu cổ phiếu PXS bị hủy niêm yết bắt buộc - Ảnh 1

PXS bị hủy niêm yết bắt buộc

Theo đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/06/2022, 60 triệu cổ phiếu PXS đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ bị hủy niêm yết.

HOSE giải thích lý do hủy niêm yết đối với mã cổ phiếu PXS của Công ty Cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy Dầu khí là do: Tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2019, 2020, 2021 của PXS thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/12/2020.

Cụ thể nội dung của điều khoản này quy định, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi: “Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp.”

Trước đó, cổ phiếu PXS cũng từng đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết khi kinh doanh thua lỗ nặng trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019. Cụ thể, trong 2 năm này, báo cáo tài chính của PXS đã ghi nhận những khoản thua lỗ khổng lồ lần lượt là 139,4 tỷ đồng và 269 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2020, PXS may mắn “thoát nạn” khi ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế (LNST) dương 3,39 tỷ đồng.

Đến năm 2021, tình hình kinh doanh của PXS tiếp tục chìm trong khủng hoảng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2021, mặc dù doanh thu thuần của PXS đạt 1.082 tỷ đồng nhưng lại ghi nhận khoản lỗ 3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. LNST của công ty giảm 65% so với năm 2020, chỉ còn vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ phát sinh khoản lợi nhuận khác 5 tỷ đồng nên PXS đã vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Thế nhưng, trong Quý I/2022, doanh thu thuần của PXS giảm mạnh 31% so với cùng kỳ, chỉ còn khoảng 182 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn ở mức cao 181,3 tỷ đồng đã “ngốn” lợi nhuận gộp của PXS chỉ còn gần 418 triệu đồng. Hệ quả là, PXS ghi nhận khoản lỗ ròng khoảng 7,5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế sau khi kết thúc Quý I/2022 tăng từ 363 tỷ đồng lên 371 tỷ đồng.

“Bức tranh” tài chính u ám

Nhìn vào báo cáo tài chính những năm gần đây của PXS có thể dễ dàng nhận ra một bức tranh đầy u ám với những khoản thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, cùng với các chỉ số tài chính đáng báo động.

Những chỉ số tài chính ảm đạm của PXS  
Những chỉ số tài chính ảm đạm của PXS  

Xét riêng Quý I/2022 vừa qua, doanh thu của PXS giảm khoảng 80 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Còn năm 2021, tình hình kinh doanh của PXS cũng vô cùng bết bát.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, nợ ngắn hạn của PXS đã vượt xa tài sản ngắn hạn tới hơn 225 tỷ đồng. Hệ số thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) là 0,72 thấp hơn 1, phản ánh khả năng thanh toán yếu kém của doanh nghiệp. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) đạt 2,3 lần, cao hơn mức trung bình 2,0 của các doanh nghiệp cùng ngành.

Cũng trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, kiểm toán đã đưa ra ý kiến loại trừ. Cụ thể, PXS ghi nhận điều chỉnh giảm doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 56 tỷ đồng, nợ phải thu ngắn hạn khách hàng 61 tỉ đồng và hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi 61 tỷ đồng liên quan đến Ban quản lý dự án công trình DKI theo Bảng giá trị khối lượng quyết toán và Biên bản đối chiếu công nợ ngày 09/06/2021 cho gói thầu số 1 thuộc Dự án sửa chữa, nâng cấp công trình DK1/20, DK2/21, DK1/11, DK1/12 trên Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Điều đáng nói là, dự án này đã được PXS ghi nhận doanh thu trong năm 2017 theo giá trị khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng mà công ty xác định. Do vậy, việc ghi nhận các điều chỉnh đã nêu trên đối với dự án này trong báo cáo tài chính năm 2021 là không phù hợp theo chuẩn mực và quy định kế toán doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, theo chuẩn mực kế toán số 29: “Doanh nghiệp phải điều chỉnh hồi tố những sai sót trọng yếu liên quan đến các kỳ trước vào báo cáo tài chính phát hành ngay sau thời điểm phát hiện ra sai sót bằng cách điều chỉnh lại số liệu so sánh nếu sai sót thuộc kỳ lấy số liệu so sánh hoặc điều chỉnh số dư đầu kỳ của tài sản, nợ phải trả và các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu của kỳ lấy số liệu so sánh, nếu sai sót thuộc kỳ trước lấy số liệu so sánh”.

Yêu cầu HOSE xem xét lại quyết định

PXS mong muốn HOSE xem xét là quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu của công ty này.

Theo PXS, vì công ty hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và đặc thù các công trình xây lắp có thời gian thi công kéo dài nên việc xác định doanh thu được thực hiện theo tiến độ hoặc theo khối lượng công việc hoàn thành bàn giao, khi công trình được phê duyệt quyết toán giá trị công trình có thể bị điều chỉnh tăng hoặc giảm so với giá trị hợp đồng.

Việc quyết toán giá trị của công trình xây lắp rất đặc thù về quy trình kiểm tra, luân chuyển chứng từ của chủ đầu tư qua nhiều bên liên quan nên việc ký biên bản nghiệm thu mất rất nhiều thời gian và có thể bị kéo dài sang nhiều năm. Khi có bảng quyết toán công trình, công ty đã ghi nhận việc điều chỉnh doanh thu vào năm quyết toán công trình theo quy định Khoản 3 Điều 20 của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 về việc xử lý đối với những hóa đơn đã lập có điều chỉnh.

Phía PXS cho rằng, nghị định 155 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 nên nội dung khoản 12 Điều 130 trên sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2022, tức là sau thời điểm kết thúc các năm tài chính 2019, 2020, 2021, tức là 3 năm báo cáo tài chính của PXS bị tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ.

Diễn biến giá cổ phiếu PXS  
Diễn biến giá cổ phiếu PXS  

Trước PXS, HOSE cũng đã đưa ra quyết định hủy niêm yết 4 mã cổ phiếu trong năm 2022: PXI, PTL, FTM, RIC. Trong đó, cổ phiếu PTL của Victory Capital (PTL) bị hủy niêm yết với lý do tương tự như PXS. Victory Capital có 100 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Còn cổ phiếu của 3 công ty gồm Quốc tế Hoàng Gia (RIC); Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (PXI) và Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) bị hủy niêm yết vì đã ghi nhận lỗ trong 3 năm liên tiếp 2019-2021 theo báo cáo kiểm toán. 30 triệu cổ phiếu PXI đã bị hủy niêm yết từ 6/5; còn 28,7 triệu cổ phiếu RIC và 50 triệu cổ phiếu FTM đã bị hủy từ ngày 16/5.

Đạt Trần

Theo Chất lượng và Cuộc sống