7 tháng, VN chi 1,8 tỷ USD nhập phế liệu sắt thép

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã chi gần 1,8 tỷ USD nhập hơn 4,1 triệu tấn phế liệu sắt thép.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2021, đối với mặt hàng phế liệu sắt thép, Việt Nam nhập 704.594 tấn, trị giá 332,5 triệu USD, giảm 0,4% về lượng nhưng tăng 2,3% về giá trị nhập khẩu so với tháng 6.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã chi gần 1,8 tỷ USD để nhập hơn 4,1  triệu tấn phế liệu sắt thép, tăng 32,5% về lượng và tăng tới 122,1% về giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước.

Nhật Bản là thị trường Việt Nam nhập khẩu phế liệu sắt thép lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2021, với 1,6 triệu tấn, tương đương 736 triệu USD, giảm 9% về lượng, nhưng tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 42% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Tiếp đó là thị trường Mỹ với 1 triệu tấn, tương đương 460 triệu USD, tăng 2,5 lần về lượng, tăng 4,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 26% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam chi gần 1,8 tỷ USD để nhập khẩu phế liệu sắt thép. Ảnh minh họa  
Trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam chi gần 1,8 tỷ USD để nhập khẩu phế liệu sắt thép. Ảnh minh họa  
 

Nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Australia đạt gần 350 nghìn tấn, tương đương gần 161 triệu USD, tăng gấp đôi về lượng, tăng gần 3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 9% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Nhập khẩu phế liệu sắt thép từ Hongkong đạt 293 nghìn tấn, tương đương gần 130 triệu USD, tăng mạnh 18% về lượng, tăng gấp đôi về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7% tổng kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước.

Về giá nhập khẩu phế liệu sắt thép, trong tháng 7 đạt 472 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so với tháng 6. Tính chung 7 tháng năm 2021, giá nhập khẩu phế liệu thép đạt 420 USD/tấn, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.

Trong báo cáo tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 7/2021 và 7 tháng đầu năm 2021, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, phế HMS 1/2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 495 USD/tấn CFR Đông Á ngày 11/8/2021. Mức giá này giảm 23 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7/2021. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á có xu hướng tăng nhẹ.

Theo Bộ Công thương, lượng nguyên liệu để sản xuất thép của các doanh nghiệp chủ yếu là nhập khẩu (ngoại trừ việc CTCP Gang thép Thái Nguyên thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam sử dụng nguyên liệu quặng sắt tự khai thác với sản lượng thấp khoảng 300 ngàn tấn/năm), số lượng quặng sắt và thép phế phục vụ sản xuất thép năm 2021 dự kiến tăng cao so với năm 2020.

 GS.TSKH Phạm Phố, chuyên gia ngành luyện kim, trong một lần trao đổi với Đất Việt, cho biết, phần đông nhà máy thép của Việt Nam dựa vào sắt thép vụn để sản xuất. Tuy nhiên, sắt thép vụn hiện nay hạn chế, giá lại tăng, chất lượng kém, chưa kể khó khăn trong vận chuyển. Có thể nói, những doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện, sử dụng sắt thép vụn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai.

Ông cũng lưu ý sản xuất thép từ quặng có quy trình phức tạp hơn sản xuất thép từ phế liệu và giá thành cũng thấp hơn, còn chất lượng thép ra sao tùy vào quá trình sản xuất. Ngay cả thép vụn muốn sản xuất ra thép tốt thì phải tuyển, phân loại kỹ càng. Hiện nay thép vụn trên thế giới còn ít, nhiều tạp chất, doanh nghiệp sản xuất mua về thì phải làm kỹ bước tuyển, phân loại, mà như vậy tốn rất nhiều tiền.

Minh Thái

Theo Đất Việt