Áp lực tỷ giá: Mối nguy tiềm ẩn, thách thức nhà điều hành
Giới chuyên gia nhận định những biến động gần đây trên thị trường quốc tế đang đẩy các thị trường mới nổi và đang phát triển như Việt Nam đứng trước áp lực về lạm phát và tỷ giá. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của đồng USD chỉ là ngắn hạn do yếu tố tâm lý và mức biến động cũng đang trong hạn mức cho phép.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thông điệp sau cuộc họp của Fed vào tháng 9/2023 đã tạo ra bước chuyển đối với kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2024. Lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn kết hợp với triển vọng kinh tế Mỹ được kỳ vọng hạ cánh mềm như trong kịch bản dự báo của Fed đã dẫn dắt chỉ số đồng USD lập kỷ lục mới.
Đáng chú ý, cả giá dầu và chỉ số đồng USD đều trở về mức cao nhất vào thời điểm tháng 11/2022. Những diễn biến trong vài năm trở lại đây đặt ra dấu hỏi về quan hệ nghịch chiều giữa sức mạnh đồng USD và giá hàng hoá (đặc biệt là giá dầu thô) đã không còn hiệu lực như trước.
Trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, quyền lực kinh tế Mỹ gia tăng và dòng vốn dịch chuyển về môi trường lãi suất cao. Diễn biến thuận chiều của giá hàng hoá và chỉ số DXY đẩy các thị trường mới nổi và đang phát triển như Việt Nam đứng trước hai áp lực về lạm phát và tỷ giá.
Về diễn biến lạm phát, VDSC cho hay, mặc dù chỉ số giá lương thực và giao thông tiếp tục đẩy giá cả tăng lên, vẫn có cơ sở để không quá lo lắng về diễn biến lạm phát trong nước. Lạm phát cả năm 2023 được dự báo ở mức 3,5-3,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ.
Nếu như áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát thì theo VDSC áp lực mất giá tiền đồng vẫn rất lớn, đòi hỏi phản ứng quyết liệt hơn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Từ sau cuộc họp của Fed, NHNN đã hút ròng hơn 140.000 tỷ đồng với lãi suất tín phiếu tăng dần qua các phiên đấu thầu (từ 0,69% lên 1,3%). Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng cũng đã nhích lên. Lãi suất kỳ hạn qua đêm trong phiên 5/10 đã tăng lên 1,32%/năm và đang ở ngưỡng cao nhất kể từ giữa tháng 6.
Theo công bố mới đây của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 đạt 6,92% so với đầu năm.
VDSC cho rằng, chênh lệch lãi suất USD-VND thu hẹp lại là một điều tích cực nhằm giảm bớt áp lực đối với tỷ giá, đồng thời cầu tín dụng phục hồi như kỳ vọng trong các tháng cuối năm.
VDSC dự báo, hoạt động phát hành tín phiếu cùng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng tốc cuối năm có thể sẽ giúp cho chênh lệch lãi suất VND và USD thu hẹp hơn.
Hiện VDSC giữ nguyên quan điểm về tỷ giá sẽ biến động quanh vùng 24.500 đồng/USD và giảm trở lại vào cuối năm.
Nhưng các chuyên gia VDSC cho rằng cần phải lưu ý tới diễn biến của đồng USD. Nếu chỉ số DXY tăng vượt ngưỡng 110, có thể dẫn đến việc NHNN phải bán bớt dự trữ ngoại hối để đối phó với việc tiền đồng mất giá mạnh hơn.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán BSC trong báo cáo phân tích mới đây cho biết, đi ngược lại với xu hướng chung của chính sách tiền tệ thế giới nói chung hay Mỹ nói riêng, chính sách tiền tệ Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực đến từ tỷ giá.
Ngoài áp lực tỷ giá, BSC lưu ý Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát tăng trở lại từ tháng 7. Lạm phát cơ bản của Việt Nam tháng 8 ở mức 4,02%, vẫn đang trên đà giảm kể từ tháng 2/2023, cho thấy lạm phát tăng chủ yếu đến từ giá xăng dầu và giá lương thực. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì xu hướng tăng giá có thể lan sang các mặt hàng khác. Tính trung bình 8 tháng/2023, lạm phát đang ở mức 3,1%, vẫn còn dư địa so với mức trần 4,5% của năm nay.
Các chuyên gia của Chứng khoán Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, trong bối cảnh NHNN vẫn đang ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay, áp lực lên tỷ giá có xu hướng dồn tích. Khả năng đồng VND giảm giá so với USD tiếp diễn trong các tháng cuối năm.
Tuy nhiên, đa số các chuyên gia cho rằng đà tăng mạnh của đồng USD gần đây chỉ là ngắn hạn do yếu tố tâm lý nhưng sẽ dần ổn định. Mức biến động hiện nay cũng đang trong hạn mức cho phép.
Chuyên gia của HSBC Việt Nam nhận định, USD sẽ yếu trở lại vào những tháng cuối năm trong bối cảnh Fed đã đạt tới gần cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Cùng với đó, những yếu tố nội tại của Việt Nam như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tích cực. Vì vậy, biến động của tỷ giá chỉ là trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB đánh giá, tỷ giá tuy có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và ở phạm vi hợp lý, vừa hỗ trợ cho xuất khẩu, vừa đảm bảo thu hút được dòng vốn đầu tư.
Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, tỷ giá USD/VND tăng đã kéo theo áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân), đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên. Áp lực tỷ giá càng lớn, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp.
Ông Hinh cho rằng, thời gian tới, NHNN vẫn hỗ trợ để ổn định tỷ giá trong năm nay do thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam.