Tỷ giá tăng mạnh: Không chỉ là cơn sóng theo mùa?
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh sau thời gian dài ổn định khiến nhiều người lo ngại. Dù đã có những trấn an rằng, đây chỉ là cơn sóng nhỏ mỗi dịp cuối năm rồi sớm ổn định; tuy nhiên, khi lãi suất đã liên tục hạ sâu trong thời gian qua thì biến động tỷ giá năm nay được khuyến cáo cần cảnh giác hơn.
Đợt sóng đẩy tỷ giá USD/VND lên kỷ lục
Từ đầu tháng 8/2023, tỷ giá USD/VND đã có những biến động khá mạnh. Giá USD ở các ngân hàng thương mại ngày 14/9 lên mốc 24.400 đồng. Đây là mức cao nhất 9 tháng qua. Tương tự, giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng liên tục tăng cao. Ngày 15/8, lần đầu tiên trong lịch sử, giá bán USD vượt mốc 25.000 đồng. Giá bán USD tại Sở Giao dịch vào ngày 14/9 tăng lên 25.163 đồng/USD.
Tỷ giá trung tâm gần đây cũng tăng mạnh sau một thời gian dài ổn định. Ngày 12/9, tỷ giá USD trung tâm đã chính thức vượt mốc 24.000 đồng, mức cao nhất lịch sử. Ngày 14/9, tỷ giá trung tâm lên mức 24.013 đồng. Tỷ giá chính thức tăng nhanh cũng khiến giá USD trên thị trường “chợ đen” đi lên. Mức giá USD ngày 14/9 được mua – bán là 24.150 - 24.200 đồng/USD.
Phân tích của các tổ chức tài chính cho thấy, tỷ giá USD/VND đang chịu áp lực trong ngắn hạn do diễn biến quốc tế và lãi suất tiền đồng giảm mạnh. Cụ thể, tỷ giá USD/VND tăng nhanh trong bối cảnh đồng bạc xanh không ngừng leo dốc trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD-Index tăng tuần thứ 8 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2014. Ngày 14/9, chỉ số USD-Index đã vượt mức 105,3 điểm. Đây là mức cao nhất của chỉ số này trong gần 6 tháng gần đây.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ đã hỗ trợ cho sức mạnh của đồng USD. Bên cạnh đó, tỷ giá có xu hướng tăng cũng do chịu áp lực từ đồng Nhân dân tệ yếu đi. Đồng Nhân dân tệ cuối tuần trước xuống mức thấp nhất 16 năm. Việc Nhân dân tệ suy yếu là một trong những áp lực đối với VND trong ngắn hạn khi Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Thêm nữa, sự chênh lệch lãi suất VND và USD cũng là yếu tố tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ. Lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng duy trì ở mức trên 5% đã khuyến khích nắm giữ USD, gây sức ép lên VND.
Các chuyên gia nhấn mạnh, diễn biến trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Fed và Ngân hàng Nhà nước cũng tạo áp lực lên tỷ giá. Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng 1,25 - 1,5 điểm %, trong khi Fed thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm. Điều nay dự báo còn tiếp diễn trong những tháng cuối năm khi mặt bằng lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm. Lãi suất huy động đã giảm từ mức 11% - 12%/năm vào cuối năm ngoái về dưới 7%/năm và xu hướng này vẫn chưa dừng lại. Bên cạnh đó là yếu tố mùa vụ, khi vào cuối năm, cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng. Các doanh nghiệp cần một lượng ngoại tệ lớn để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, trả nợ vay, chuyển lợi nhuận về nước.
Tỷ giá tăng mạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp, do phải bù thêm chênh lệch tỷ giá trong thanh toán cho đối tác nước ngoài, đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu nhiên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên. Ngược lại, tỷ giá tăng cao sẽ gây bất lợi cho nhập khẩu nhưng nếu thấp quá thì không có lợi cho xuất khẩu, trong khi Việt Nam cần ưu tiên nhiều hơn cho xuất khẩu.
Nóng trong ngắn hạn?
Đa số các chuyên gia nhận định, đà tăng mạnh của đồng USD gần đây chỉ là ngắn hạn do yếu tố tâm lý nhưng sẽ dần ổn định vào cuối năm. Mức biến động hiện nay cũng đang trong hạn mức cho phép.
Chuyên gia của HSBC Việt Nam nhận định, USD sẽ yếu trở lại vào những tháng cuối năm trong bối cảnh Fed đã đạt tới gần cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Cùng với đó, những yếu tố nội tại của Việt Nam như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tích cực. Vì vậy, biến động của tỷ giá chỉ là trong ngắn hạn. Nhận định từ VNDirect cũng cho rằng, tỷ giá vẫn có những yếu tố hỗ trợ như thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023, Shinhan Bank cho biết VND có thể đối mặt với nguy cơ mất giá trong ngắn hạn nhưng sau đó sẽ ổn định trở lại.
Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia lo ngại, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành, trong khi Fed vẫn chưa có chủ trương ngưng thắt chặt tiền tệ và đồng Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn thì tỷ giá USD/VND sẽ chịu thêm không ít áp lực trong những tháng cuối năm.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam lưu ý, vấn đề tỷ giá khi Fed chưa có dấu hiệu cắt giảm lãi suất, trong khi các chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì sẽ khiến VND chịu áp lực mất giá. Đồng quan điểm, chuyên gia Chứng khoán Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn đang ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay, áp lực lên tỷ giá có xu hướng dồn tích. Khả năng đồng VND giảm giá so với USD tiếp diễn trong các tháng cuối năm.
Điểm thuận lợi trong kiểm soát tỷ giá ở giai đoạn này là nguồn cung ngoại tệ cùng tỷ giá ổn định nhờ cán cân hàng hóa và dịch vụ duy trì trạng thái thặng dư, cầu ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu không tăng do nhu cầu trong nước yếu; kiều hối ước tăng trưởng so với năm ngoái; dòng tiền từ các hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI và mua bán vốn cổ phần duy trì. Vì thế, “VCBS dự báo mức mất giá của VND so với USD vào khoảng 3% trong năm nay”.
Ông Đinh Quang Hinh - chuyên gia phân tích tại VNDirect đánh giá, sức ép tỷ giá cuối năm sẽ phụ thuộc vào diễn biến lãi suất USD cũng như định hướng hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước. Tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa cuối năm nay nhưng mức độ dao động không quá 2% so với đầu năm. Trong trường hợp Fed tăng thêm lãi suất trong năm nay, các chuyên gia dự kiến tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng.
Ông Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. HCM nhận định, dù cán cân thương mại dương nhưng cũng cần phải xem các cán cân vốn, cán cân dịch vụ khác có dương hay không để tính được tổng thể nguồn ngoại tệ. Từ nay đến cuối năm, vẫn còn áp lực lên tỷ giá dù rằng xuất siêu đạt con số cao, bởi lãi suất USD hiện vẫn ở mức cao.
Theo ông Huân, việc Fed tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá, lạm phát cũng sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước không còn dư địa để giảm lãi suất điều hành, khiến việc nới lỏng chính sách tiền tệ khó hơn. Vì thế, trong những tháng cuối năm cần từ từ điều chỉnh giá USD tăng lên nhiều hơn mức đề ra từ đầu năm khoảng 3%.
Thông thường khi điều chỉnh giá USD tăng lên, nguy cơ lạm phát sẽ gia tăng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, lạm phát đang nguội vì sức cầu thấp thì không quá đáng quan ngại. Hoạt động xuất khẩu được xem là động lực phát triển kinh tế hiện nay đang gặp khó khăn nên tăng giá USD sẽ hỗ trợ cho hoạt động này nhiều hơn. Hơn nữa, việc tăng dần giá USD, tránh tăng sốc còn giúp Ngân hàng Nhà nước tránh phải sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối can thiệp thị trường như hồi năm 2022.
Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC cho rằng, chính sách điều hành nới lỏng, kéo theo VND có xu hướng mất giá nhẹ đang là chiến lược kiểm soát chủ động với mục tiêu vừa hỗ trợ nền kinh tế trong nước vừa thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm. Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên các chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp.