Bà chủ lớn giàu ‘khủng’ của dự án thành phố thông minh 4,2 tỷ USD ở Đông Anh là ai?

Bà chủ của Tập đoàn góp vốn vào đầu tư dự án thành phố thông minh trị giá 4,2 tỷ USD là bà Nguyễn Thị Nga.

Dự án thành phố thông minh có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD do tập đoàn BRG và đối tác Nhật Bản góp vốn đã chính thức được công bố và động thổ ngày 6/10, có diện tích 272 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh.

Dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân - Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Dự kiến hoàn thành toàn bộ 5 giai đoạn của dự án vào năm 2028.

Chủ đầu tư dự án “khủng” cũng đã được biết đến từ trước là Tập đoàn Sumitomo Corporation và BRG. Được biết, Tập đoàn BRG (BRG Group) và Tập đoàn Sumitomo Corporation (Sumitomo Corporation) đã có sự hợp mạnh mẽ từ năm 2016.

Về Sumitomo, đây là tập đoàn thương mại và đầu tư lớn nhất Nhật Bản. Còn BRG là tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu của Việt Nam.

Nữ Chủ tịch tiếng tăm của BRG từng được truyền thông nhắc đến rất nhiều lần, đó là bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1955). Bà Nga cũng đồng thời từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (nay là phó chủ tịch thường trực) và nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Intimex Việt Nam.

Hồi tháng 6/2018, sau khi một công ty con của BRG bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược tại Hapro, bà Nguyễn Thị Nga được bầu làm chủ tịch của doanh nghiệp này.

Theo một chia sẻ mới đây của bà Nga, vị nữ doanh nhân cho biết bà đã bắt đầu kinh doanh từ năm 1983 lúc mới ngoài 20 tuổi, từ khi đất nước chưa mở cửa. Sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam năm 1993, bà Nga thành lập doanh nghiệp đầu tiên.

Đến năm 1999, Chủ tịch BRG cho biết bước ngoặt khi doanh nghiệp mua lại một sân golf quốc tế đầu tiên tại miền Bắc ở Đồng Mô (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội).

Sau chuyến thăm, bà quyết định mua lại dự án, vì tiềm năng phát triển của lĩnh vực. Với đất đai rộng lớn và cảnh đẹp, Chủ tịch BRG cũng nhìn thấy cơ hội phát triển dịch vụ ăn theo và bất động sản.

Khi sở hữu sân golf, bà Nga khiến nhiều người hoài nghi về khối tài sản của mình. Chủ tịch BRG kể rằng năm 2000, khi hội nghị doanh nhân nữ toàn cầu tổ chức ở Việt Nam, nhiều người nước ngoài đặt cho bà nhiều câu hỏi hoài nghi.

“Có người hỏi tôi có phải là vợ ông bộ trưởng, quan chức, hay con tiền bối nào không mà lại có sân golf? Tôi trả lời Việt Nam có môi trường kinh doanh rất tự do bình đẳng, nam nữ không có sự phân biệt nào cả”, bà Nga kể lại.

Sau đó, BRG quyết định lấn sân sang lĩnh vực khách sạn khi sở hữu nhiều cơ sở lưu trú trên cả nước, được quản lý bởi các thương hiệu nổi tiếng.

Hiện BRG hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Hiện sở hữu nhiều sân golf cỡ lớn và khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam như Sheraton Đà Nẵng, Hilton Hà Nội, Mondial Huế, Four seasons …

Tập đoàn BRG cũng đang vận hành hàng loạt hệ thống khu tổ hợp golf cao cấp như BRG Kings Island Golf Resort, BRG Đà Nẵng Golf Resort, BRG Legend Hill Golf Resort, BRG Ruby Tree Golf Resort… Tại đây, nhiều giải golf quy mô quốc tế đã được tổ chức, thu hút lượng lớn du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Sau khi là Chủ tịch Hapro, bà Nga cũng đồng thời sở hữu loạt đất vàng mà Hapro nắm giữ sau cổ phần có thể kể đến như: số 19-21 Đinh Tiên Hoàng (280 m2), nhà số 1 Điện Biên Phủ (500 m2); nhà số 135 Lương Đình Của (1.843 m2); địa chỉ C12 Thanh Xuân Bắc (1.780 m2); D2 Giảng Võ (1.230 m2)…

Doanh nghiệp còn sở hữu tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh (2.933 m2); phòng 15 tầng số 11B Cát Linh (2.933 m2); tòa nhà số 362 Phố Huế (7 tầng nổi, 1 tầng hầm có diện tích đất 618 m2); dự án trung tâm thương mại văn phòng số 5 Lê Duẩn (cao 9 tầng diện tích đất 1.624 m2); trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình (3.108 m2)...

Ngoài ra, đơn vị này được tiếp tục sở hữu hàng loạt khu công nghiệp thực phẩm; trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long; dự án điểm đỗ xe; cụm nhà ở với diện tích đất lên đến hàng trăm nghìn m2... Tại các tỉnh thành khác, Hapro cũng sở hữu loạt khu đất có diện tích không hề nhỏ.

Bà Nga cũng từng có động thái thể hiện tham vọng lấn sân vào ngành hàng không. Theo đó, hồi tháng 10/2018, HĐQT Công ty cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) đã trình đại hội cổ đông bất thường danh sách đề cử ban lãnh đạo nhiệm kỳ 2018-2023. Đáng chú ý, ngoài 2 thành viên do Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) đề cử, danh sách HĐQT lần đó còn xuất hiện tên bà Nguyễn Thị Nga.

Thời điểm đó, bà Nga là một trong 2 đại diện được nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn BRG đề cử vào HĐQT VALC nhiệm kỳ mới cùng bà Nguyễn Thị Thu Hương. Theo đề xuất, bà Nga được đề cử giữ chức Phó chủ tịch HĐQT của công ty.

Nếu được cổ đông thông qua, đây sẽ là doanh nghiệp đầu tiên bà Nga điều hành kinh doanh trong lĩnh vực phụ trợ hàng không.

 

Theo Thu Hà/VietQ

Tin liên quan