Ba "ông lớn" ngành bưu chính đang kinh doanh ra sao?

Thị trường bưu chính phát triển, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số, các doanh nghiệp bưu chính ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên toàn quốc và quốc tế. Nhóm doanh nghiệp thuộc ngành bưu chính phải cạnh tranh khốc liệt để

Kết thúc năm 2022, Viettel Post đạt 21.638 tỷ đồng doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận gộp về bán hàng đạt 616,9 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 105,3 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 317 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái là 364,9 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm đến cuối kỳ, Viettel Post đạt 323,2 tỷ đồng lợi nhuận kế toán trước thuế, con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 370,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp bị giảm theo, giảm gần 40 tỷ đồng, cụ thể năm 2021 đạt 295,8 tỷ đồng, năm 2022 chỉ đạt 257,9 tỷ đồng.

Ba "ông lớn" ngành bưu chính đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 1
Lợi nhuận sau thuế của Viettel Post năm 2022 giảm so với cùng kỳ

Còn tại Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện - CTCP (EMS), theo báo cáo kết quả kinh doanh, doanh thu của EMS trong quý IV/2022 đạt 592 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 25,9%. Theo giải trình của doanh nghiệp, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt về giá trên thị trường, khách hàng thiếu hụt nguồn cung nên tốc độ tăng sản lượng, doanh thu của EMS chững lại.

Tuy nhiên, nhờ các biện pháp tối ưu hóa hoạt động, cắt giảm chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 4 của EMS đã tăng gấp 4,3 lần cùng kỳ, đạt gần 39 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều quý.

Ba "ông lớn" ngành bưu chính đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 2
Giải trình kết quả kinh doanh của EMS

Lũy kế cả năm 2022, EMS ghi nhận doanh thu đạt 2.236 tỷ đồng, giảm 10,4% tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại tăng 5,9% so với cùng kỳ, lên 89,5 tỷ đồng và vừa kịp hoàn thành kế hoạch đề ra. Lãi ròng sau thuế lập kỷ lục 71,3 tỷ đồng, tương ứng lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.397 đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

The tìm hiểu, EMS là công ty con của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) – doanh nghiệp lớn nhất ngành với hệ thống hơn 13.000 điểm trải rộng toàn quốc bao gồm các bưu cục, bưu điện, ki-ốt và thùng thư công cộng. Hệ sinh thái “khổng lồ” của công ty mẹ là một lợi thế rõ rệt giúp EMS có thể chủ động trong bài toán tối ưu chi phí hoạt động.

Còn tại Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post), trong năm 2022, doanh thu toàn tổng công ty đạt 27.325 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 517 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước 695 tỷ đồng. Trong bối cảnh nhiều thách thức khi nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, sự cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt đi kèm với những ảnh hưởng tiêu cực từ cục diện chính trị thế giới. Vietnam Post vẫn giữ vững vai trò và khẳng định vị thế hàng đầu của mình trong lĩnh vực bưu chính quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều doanh nghiệp trong ngành lợi dụng chính sách giảm giá, khuyến mại, chiết khấu để cung cấp dịch vụ bưu chính với giá thấp, thậm chí dưới giá thành, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị bưu chính trên thị trường.

Nguy cơ lớn là các doanh nghiệp chuyển phát trong nước rơi vào cuộc cạnh tranh không bình đẳng. Số lượng doanh nghiệp bưu chính mới gia nhập thị trường tăng 12%, tuy nhiên, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp.

Chưa kể, sự xuất hiện nhiều đơn vị chuyển phát có tiềm lực trong và ngoài nước như Giao hàng nhanh (GHN), BEST Express Việt Nam (BEST Inc.), Giao hàng tiết kiệm (GHTK), J&T Express, Kerry Express, Nasco Logistics JSC, Nhất Tín Logistics, Tiếp vận Nin Sing (Ninja Van), Swift247,... đã đẩy cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này trở nên ngày càng gay gắt. Biên lãi gộp của các doanh nghiệp ngày càng mỏng do cuộc đua giảm giá dịch vụ tốn kém để giành thị phần.

MINH ANH

Kinh doanh và Phát triển