Đông Anh (Hà Nội) lên quận vào cuối năm nay, giá đất có “sốt” trở lại?
Theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện lên quận trong thời gian tới của UBND TP Hà Nội thì Đông Anh sẽ thiện hồ sơ, trình Chính phủ về đề án này trong quý IV/2023.
Trình Chính phủ đưa Đông Anh lên quận vào quý IV năm nay
Mới đây Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã ban hành kế hoạch số 68 triển khai đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng thành quận.
Theo đó, lộ trình tháng 7/2023, UBND sẽ trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đưa hai huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận, sau đó trình Chính phủ và Thường vụ Quốc hội vào quý cuối cùng của năm.
Theo quy định, để đưa huyện lên quận phải đạt 31 tiêu chí, trong đó, riêng Đông Anh và Gia Lâm đã đạt tiêu chí tối thiểu. Còn một số tiêu chí chưa đạt, thành phố đề nghị hai huyện xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện; tổng hợp các khó khăn, đề xuất về các sở chuyên ngành để tháo gỡ.
Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cho rằng "nếu dàn hàng ngang thì khó thành công". Vì thế, thành phố chọn Đông Anh, Gia Lâm để ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí đưa hai huyện lên quận năm 2023.
Còn đối với ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, việc trình hồ sơ lên HĐND thành phố được thực hiện trong quý III/2024 và báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025.
Giá đất tại Đông Anh đang diễn biến thế nào?
Kể từ sau thông tin huyện Đông Anh sẽ quận với nhiều dự án đầu tư nguồn vốn lớn hình thành, thị trường mua bán nhà đất tại nơi này đã chứng kiến cơn sốt giá mạnh suốt từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2021.
Sau giai đoạn đỉnh điểm sốt đất, giá đất Đông Anh có dấu hiệu chững lại. Nhưng kể từ sau quý I/2022, giá đất Đông Anh lại có dấu hiệu nóng trở lại. Theo đó, giá đất trung bình tại Đông Anh hầu hết đều tăng lên 10 - 20% với các vị trí nằm trong ngõ, còn nơi mặt đường lớn ô tô đi lại, giá đã tăng đến 30 - 40%.
Đơn cử như giá đất tại xã Kim Chung, những tháng cuối năm 2021 giá đất trung bình tại đây rơi vào khoảng 30 triệu đồng/m2, tuy nhiên, hiện tại, theo khảo sát giá đất tại địa bàn này rơi vào khoảng 40 triệu đồng/m2.
Hay như xã Cổ Loa, giá đất trung bình hiện cũng tăng khoảng 25% từ 28 triệu đồng/m2 lên khoảng 35 triệu đồng/m2. Tại xã Đông Hội, giá đất trung bình từ đầu năm 2021 khoảng 31.73 triệu/m2 nhưng hiện cũng tăng khoảng 26% lên 40 triệu đồng/m2. Giá đất trung bình tại xã Kim Nỗ từng có mức cao nhất là 39,8 triệu đồng/m2, tuy nhiên tại giá cũng chỉ dao động khoảng 40 triệu đồng/m2.
Về hoạt động đấu giá đất tại Đông Anh những tháng đầu năm 2023 cũng diễn ra cực kỳ sôi động.
Đơn cử như Công ty đấu giá hợp danh Số 5 Quốc gia mới đây đã ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh . Cụ thể là quyền sử dụng đất đối với 17 thửa đất tại khu đất X9 thôn Cán Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh.
Các thửa đất có diện tích từ 73,99 đến 128,6 m2/thửa với mức giá khởi điểm từ 31,2 triệu đồng/m2 đến 34,1 triệu đồng/m2. Mục đích sử dụng đất là đất ở với thời hạn sử dụng lâu dài.
Ngoài ra còn có 25 thửa đất ở thuộc khu đất X6, thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà. Diện tích các thửa đất từ 90 m2/thửa đến 144,08 m2/thửa. 25 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 30,3 triệu đồng/m2 đến 33,3 triệu đồng/m2.
Cẩn trọng với sốt đất tại Đông Anh
Thị trường bất động sản huyện Đông Anh khoảng chục năm trở lại đây liên tục tăng giá nhờ nhiều nguyên nhân: Địa bàn đẹp hạ tầng đã và đang được đầu tư bài bản, hơn nữa Đông Anh còn được hưởng lợi từ hạ tầng quốc gia với trục giao thông quan trọng Nhật Tân - Nội Bài; đặc biệt trước thông tin huyện này sẽ lên quận vào năm 2023 (chậm nhất 2024).
Ngoài ra, Đông Anh còn có hàng loạt dự án lớn như: Công viên Kim Quy, Công viên phần mềm, Trung tâm triển lãm quốc gia... Chính việc có nhiều dự án hạ tầng, đô thị lớn được đầu tư xây dựng đã tạo thời cơ “thổi giá” đất trong thời gian qua của cò đất.
Theo số liệu khảo sát thị trường của batdongsan.com.vn và một số website về nhà đất uy tín, nếu như vào thời điểm đỉnh “sốt đất” hồi tháng 3/2021, đất nền dự án trên địa bàn huyện Đông Anh giá trung bình từ 50-80 triệu đồng/m2, đến nay vẫn được giữ nguyên nhưng gần nhu không có giao dịch.
Tương tự, đất trong khu dân cư giai đoạn “sốt” giá từ 40-100 triệu đồng/m2, cá biệt khu vực gần với đường lớn gần tuyến Nhật Tân - Nội Bài hay cạnh quốc lộ 23B lên tới 150 triệu đồng/m2, nay đã giảm khoảng 5-10% nhưng lượng giao dịch cũng không nhiều.
Mặc dù Đông Anh được hưởng nhiều lợi thế, song các chuyên gia cảnh báo cần cẩn trọng trước sự sốt đất ảo tại địa phương này.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia cao cấp về thuế (Học viện Tài chính) thừa nhận rằng, ở mỗi địa phương không riêng gì Đông Anh, nếu đấu giá đất thành công sẽ tạo ra một nguồn thu ngân sách lớn. Tuy nhiên, cũng cần phải tính toán các phương án để khai thác nguồn thu, không nên dựa dẫm vào nguồn thu từ đấu giá đất nói riêng và bất động sản nói chung.
“Việc địa phương chỉ chăm chăm vào nguồn bán đất thì sẽ không quan tâm tới phát triển các nguồn thu ngân sách khác. Nếu các địa phương không có nguồn thu nào mạnh, tập trung vào nguồn thu từ đất thì mọi nguồn lực xã hội cũng sẽ tập trung vào quy hoạch, xây dựng hạ tầng để phục vụ cho bán đất. Các lĩnh vực sản xuất khác không phát triển được. Tập trung nguồn lực xã hội vào lĩnh vực dễ dãi nhất về dài hạn rất nguy hiểm, vì hết đất thì sẽ không biết thu từ đâu”, ông Thịnh nhìn nhận.