Bãi biển giành cho người giàu: Không đâu làm thế

Những vị trí bờ biền đẹp đều nhưỡng chỗ cho các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, người dân mất lối xuống biển, ngư dân mất khu neo đậu tàu thuyền...

Xu hướng tư nhân hóa đất ven biển

Ngày 8/1/2021, KTS Huỳnh Hữu Dũng - Hội KTS Việt Nam bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng quy hoạch xây dựng vùng bãi biển của Việt Nam khi ngày càng nhiều các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp xuất hiện ở vị trí đắc địa ở bờ biển, chiếm mất không gian phục vụ cộng đồng.

Chỉ lên tấm bản đồ đường bờ biển dài hơn 3.000km từ Bắc và Nam, ông Dũng kể ở Hà Tĩnh có bãi biển Xuân Thành, Quảng Ngãi có khu vực đảo Lý Sơn, Quảng Bình và Phú Yên có nhiều dự án nghỉ dưỡng của FLC, vào đến Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng có thể dễ dàng gặp các khu đất rộng đang quay tôn xung quanh để xây dựng dự án nghỉ dưỡng ven biển.

Khắp các bãi biển đẹp trải dài từ Bắc tới Nam đều đang rơi vào tình trạng xé lẻ bởi hàng ngàn dự án du lịch ven biển. Nhiều dự án đã triển khai và đưa vào hoạt động, nhưng cũng có hàng loạt dự án chỉ chiếm đất và treo ở mặt tiền biển 5 - 7 năm.

"Các dự án này đều nằm ở các vị trí đắc địa, là vùng có bờ biển đẹp, bãi tắm lý tưởng. Nếu không xây dựng dự án thì sẽ phục vụ nhu cầu của người dân, là chỗ neo đậu tàu thuyền cho các ngư dân sống cạnh đó. Nhưng khi xây dựng ra thì chủ đầu tư coi đó như là phần đất của mình..." - ông Dũng bày tỏ.

Bãi biển giành cho người giàu: Không đâu làm thế - Ảnh 1
Nhiều bãi biển của Việt Nam đang bị băm nát bởi những dự án nghỉ dưỡng (Ảnh minh họa).

Trước khi xây dựng các dự án này, lãnh đạo các địa phương đều kêu gọi nhà đầu tư với mục đích phát triển kinh tế, nâng cao tiềm năng du lịch của tỉnh nhà nhưng khi xây dựng xong rồi thì chỉ một bộ phận người có điều kiện kinh tế mới được sử dụng.

"Các tình ven biển hiện nay có xu hướng tuy duy chạy theo dự án, chạy theo cái lợi trước mắt khi thu hút được nguồn đầu tư của các doanh nghiệp nên tìm cách thu hút các dự án bằng mọi giá.

Cứ có càng nhiều dự án lấp đầy không gian ven biển là coi như đã thành công, phát triển du lịch nhưng với điều kiện của người dân Việt Nam thì chỉ phục vụ số ít người còn phần đa những người bình thường không vào những nơi đó được.

Đặc biệt là người dân sống ở vùng ven biển đó lại không có đủ khả năng trả tiền cho các dịch vụ cao cấp, thậm chí có nguy cơ lấy di kế sinh nhai của người dân trên địa bàn vì không còn chỗ neo đậu tàu thuyền" - ông Dũng bày tỏ.

Cần hướng tới cộng đồng

Ông Dũng cho biết, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ từng có chỉ đạo về việc cấm cấp phép cho các dự án ven biển, thậm chí phải thu hồi nếu đã cấp vì bờ biển cần thông thoáng. Sau đó, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hồi một vài dự án để lấy chỗ xuống biển cho người dân.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều dự án ven biển khắc được cấp phép, xây dựng lên. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều dự án xây dựng ven biển ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận cũng cấp phép cho nhiều nhà đầu tư xây dựng dự án nghỉ dưỡng ở Mũi Dinh lấy đi không gian biển chung của cộng đồng.

Trước hàng loạt dự án ven biển đã và đang được xây dựng, ông Dũng cho rằng, cần phải xem xét lại quy hoạch chung toàn vùng biển của Việt Nam. Nếu coi du lịch là ngành công nghiệp không khói của Việt Nam thì cần phải quy hoạch lại bờ biển theo hướng phát triển bền vững để thu hút du lịch về lâu dài hơn là cái lợi trước mắt.

Trước đây, Mỹ đã từng có chính sách tư nhân hóa bờ biển tại Santa Monica và Ventura County (Califonia). Tại hai vùng biển này, chính quyền địa phương từ lâu cho phép người dân và các nhà tài phiệt xây nhà, khu nghỉ dưỡng sát biển, sở hữu luôn vùng biển đó, lấy biển làm “của riêng” và không cho người dân bên ngoài vào.

Điều này khiến cư dân quanh vùng phản ứng mạnh mẽ và chính phủ Mỹ thừa nhận đó là chính sách tư nhân hóa vùng biển sai lầm của mình. Và để sửa sai, chính quyền địa phương cho giải tỏa và chấp nhận đền số tiền lớn cho các đại gia mua đất ven biển nơi đây để họ di dời nhưng không thể giải tỏa tất cả, vì rất khó.

"Chúng ta cần coi bờ biển thuộc sở hữu toàn dân và bình đẳng đối với mọi du khách, không cho phép xây dựng bất kỳ nhà hàng, khách sạn, resort, quán xá ven biển. Những công trình xây dựng đều phải được thực hiện sâu trong đất liền, cách bờ biển một con đường và lùi vào sâu trong mấy chục mét nữa.

 

Ngọc Khánh

Theo Báo Đất Việt