BĐS nghỉ dưỡng dần hồi phục nhờ xu hướng du lịch tại chỗ
Càng về cuối năm, sự quan tâm của nhà đầu tư đến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng càng lớn nhờ xu hướng du lịch tại chỗ từ dòng khách nội địa. Xu hướng này cũng sẽ mở ra hướng đi mới cho thị trường 2021.
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng trong bối cảnh lực cầu bất động sản tăng mạnh vào dịp cuối năm, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu thu hút sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư, khi đây vẫn được đánh giá là phân khúc tiềm năng, khả năng sinh lời cao trong dài hạn. Theo đó, lượng hàng tồn sẽ được đẩy nhanh hơn bởi làn sóng mua sắm dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, điểm sáng trên thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cuối năm là việc tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các Dự án Du lịch nghỉ dưỡng. Điển hình như tại các địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Sau thời gian dài “bất động” do ảnh hưởng của dịch bệnh, các chủ đầu tư đang tích cực chuẩn bị nguồn cung mới cho thị trường.
Các chuyên gia nhận định, một trong những yếu tố đang tác động lớn đến tốc độ hồi phục của thị trường nghỉ dưỡng là dòng khách du lịch nội địa. Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng du lịch tại chỗ (staycation, du lịch cự ly gần) phát triển một cách mạnh mẽ hơn khi nhu cầu du lịch nội địa tăng lên.
Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, khách du lịch nội địa đạt 42,5 triệu lượt khách. Còn theo Booking.com, du lịch nội địa tại Việt Nam tăng trưởng chưa từng có trong Covid-19, với hành trình trong nước chiếm đến 96% tổng quãng đường du lịch của người Việt trong giai đoạn từ 1/6 - 31/8/2020. Cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ ước đạt 52%.
Sau nhiều tháng ngành du lịch gần như “đóng cửa”, cơn "khát" du lịch đang thúc đẩy các du khách tìm kiếm điểm đến mới trong nước, hoặc những điểm đến quen thuộc nhưng với những trải nghiệm mới.
Theo các chuyên gia, làn sóng nhu cầu mới của khách du lịch nội địa đã mở ra cơ hội đón đầu đà tăng trưởng cho các nhà đầu tư, khi xu hướng du lịch tại chỗ hứa hẹn bùng nổ trong thời gian tới. Sở hữu "Second Home" tại những địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch kề cận các thành phố lớn đồng nghĩa với cơ hội khai thác lợi nhuận đầy hứa hẹn và bền vững.
“Loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ đồng bộ, mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch và chăm sóc sức khỏe tại chỗ sẽ có cơ hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Trong đó, mô hình staycation là giải pháp cho bài toán kinh doanh hiện tại. Ngoài ra, các dự án đồng bộ về dịch vụ, trải nghiệm ẩm thực, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe cũng đang thu hút khách nội địa", bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội khẳng định và cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang được kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ nhất hậu Covid-19.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group cũng nhìn nhận, trong bối cảnh đường bay quốc tế chưa khôi phục, du khách nội địa là "phao cứu sinh" của ngành du lịch cả nước. Do đó, dòng sản phẩm nghỉ dưỡng đang có sự thay đổi rất đáng kể. Các chủ đầu tư từ chỗ chỉ tập trung vào phục vụ kỳ nghỉ của khách (trong khi hành vi này chỉ diễn ra với tần suất rất ít trong một năm, dẫn đến nguồn cung dư thừa, tỷ lệ khai thác thấp) chuyển sang chú trọng vào nhu cầu nghỉ dưỡng tại chỗ hoặc trong cự ly gần, phát triển những chuỗi nghỉ dưỡng gắn với “Second Home”.
“Thời điểm hiện tại và tương lai, mô hình 'staycation' sẽ là lựa chọn mới của nhiều nhà đầu tư. Các nhà đầu tư đang và sẽ quan tâm nhiều hơn tới những nơi có cảnh quan, địa hình, thời tiết, văn hóa đặc sắc và đặc biệt là có tính sở hữu lâu dài, có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân”, ông Tuyển cho hay.
Tại hội thảo "Hỗ trợ quá trình phục hồi của Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam", ông Nguyễn Thái phiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Novaland cũng nhận định, các nhà phát triển bất động sản tại thị trường Việt Nam rất sáng tạo khi không ngừng kiến tạo ra nhiều loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng đa dạng hơn trước đây.
Nếu các mô hình mới này đạt tiêu chuẩn cao và được thị trường chấp nhận có thể hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi của ngành bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Ông Phiên dự báo, trong bối cảnh đại dịch vẫn còn khó đoán trên toàn cầu, những dự án nghỉ dưỡng có kết nối hạ tầng tốt, thời gian di chuyển nhanh tại thị trường nội địa sẽ có nhiều cơ hội phục hồi sớm hơn.
Dưới góc độ đầu tư, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam lưu ý, bất động sản nghỉ dưỡng là loại hình đặc biệt cả về giá trị sử dụng cũng như giá trị tài chính, không giống như nhà ở thông thường. Bất động sản nghỉ dưỡng còn gọi là căn nhà thứ hai, chỉ dành cho những người có điều kiện dư dả về tài chính và có nhu cầu kết hợp nghỉ dưỡng ở một nơi ưa thích.
Mặt khác, yếu tố lợi nhuận từ việc vận hành cho thuê (thông qua đơn vị quản lý) không thể so sánh với việc lợi nhuận từ đầu tư mua bán lại thông thường. Hiện nay, bất động sản nghỉ dưỡng chưa có thị trường thứ cấp để có thể dễ dàng mua đi bán lại, nên rất khó xác định được giá trị cụ thể.
Bên cạnh đó, còn một vấn đề rất quan trọng khác, liên quan đến pháp lý của người sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng (dù là biệt thự/nhà phố hay condotel), đó là thời hạn sở hữu dựa trên loại hình, chức năng, quyền sử dụng đất mà dự án đó được cấp phép.
Ngoài ra, khi mua bất động sản nghỉ dưỡng để phục vụ mục đích nghỉ dưỡng hay đầu tư, người mua cần chú ý đến các yếu tố như: Thế mạnh du lịch của địa phương, hạ tầng giao thông, điểm độc đáo và tiềm năng của dự án, uy tín và năng lực triển đơn vị quản lý vận hành,…
"Như vậy, khi mua bất động sản nghỉ dưỡng, người mua cần tìm hiểu kỹ càng mọi khía cạnh, có đúng với mục đích và nhu cầu của mình hay không", ông Hoàng nói.
Hậu Covid-19, thay vì đầu tư vào các vùng trũng theo tâm lý đám đông như trước đây, các chuyên gia nhận định, giới đầu tư sẽ cẩn trọng hơn, đầu tư trung và dài hạn, đặt yếu tố giữ tài sản lên hàng đầu, sau đó mới đến sinh lời. Theo đó, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cũng cần thay đổi theo hướng đồng bộ, đa tiện ích, đáp ứng nhu cầu này của nhà đầu tư.