Băn khoăn dòng chảy của tiền ở An Gia
Hàng nghìn tỷ đồng đã được An Gia (HoSE: AGG) luân chuyển cho các công ty liên quan thông qua các hoạt động vay mượn, hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, những khoản chi này ít nhiều tồn tại các vấn đề.
An Gia đã kết thúc mùa kinh doanh quý III/2024 với kết quả “khiêm tốn” so với cùng kỳ năm trước: doanh thu thuần 268 tỷ đồng, giảm 85%; lãi sau thuế 24 tỷ đòng, giảm 88%.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 1.750 tỷ đồng, giảm 53%; lãi sau thuế đạt 240 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, An Gia đã vượt chỉ tiêu.
Tuy nhiên, điều được giới quan sát quan tâm không phải là kết quả kinh doanh, bởi sau quý I/2024, hoạt động kinh doanh của An Gia đã không còn gì đáng chú ý. Thực tế cho thấy, ngay quý I/2024, An Gia cũng đã hoàn thành tới 80% kế hoạch năm.
Trọng tâm mà giới quan sát dành cho An Gia là việc điều chuyển vốn sang các dự án mới và tiềm năng, như The Gió Riverside, BC27, BC3.2.
Báo cáo cho thấy tính đến 30/9/2024, An Gia có khoản phải thu lên tới 5.717 tỷ đồng, chiếm 79,3% tổng tài sản. Trong đó, các khoản phải thu về cho vay là 2.906 tỷ đồng, tập trung phần lớn cho Công ty Gia Linh (2.554 tỷ đồng). An Gia thuyết minh đây là khoản cho vay nhằm phát triển dự án The Lá Village (tức BC27).
Cùng với Gia Linh và cùng cho The Lá Village, An Gia cũng cho Công ty Nhà An Gia vay 100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng dự án The Lá Village đã hút của An Gia 2.654 tỷ đồng, thông qua việc cho vay 2 công ty liên quan trên.
Tìm hiểu của VietnamFinance cho thấy, Công ty Gia Linh được thành lập tháng 5/2018, vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: An Gia nắm 1%, Dương Văn Hồng nắm 50%, Phạm Minh Tiến nắm 40%, trong đó ông Dương Văn Hồng (sinh năm 1986) làm CEO. Vị trí của ông Hồng về sau chuyển cho ông Nguyễn Trung Tiến (sinh năm 1979) rồi tới bà Nguyễn Hương Giang (sinh năm 1979). Bà Giang cũng là người đại diện theo pháp luật của một nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái An Gia như: Công ty An Gia Phú Thuận (công ty con của An Gia), Công ty An Tường, Công ty Gia Khánh.
Còn Công ty Nhà An Gia thành lập tháng 9/2019, vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Văn Giáo 15%, Vũ Đình Vượng 70%, Nguyễn Thị Kim Hoa 15%. CEO đầu tiên là ông Nguyễn Ngọc Châu (sinh năm 1983), sau chuyển sang ông Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1984). Đây đều là những gương mặt quen thuộc xuất hiện nhiều nơi trong hệ sinh thái An Gia. Đơn cử ông Nguyễn Văn Giáo đang là đại diện theo pháp luật của: Western City, An Gia Phú Thịnh, Lê Gia, Lộc Phát, Tư vấn AGI & DDC, Tư vấn AGI & HVC, Đăng Dương, Đông Nam Land.
Trở lại với chuyện An Gia rót vốn cho Gia Linh, trên thực tế, Gia Linh đã bắt đầu nhận vốn của An Gia ngay sau khi thành lập: năm 2020 là 98 tỷ đồng, năm 2021 là 391 tỷ đồng, năm 2022 tăng lên 773 tỷ đồng, năm 2023 là 1.590 tỷ đồng và 9 tháng 2024 đạt 2.554 tỷ đồng. Việc liên tục đổ vốn và đổ quá nhiều vốn vào Gia Linh (tương đương 35,4% tổng tài sản) dường như là một điều bất thường, bởi The Lá Village hoàn toàn không phải là dự án trọng tâm của An Gia lúc này; trọng tâm là The Gió Riverisde, dự kiến mở bán quý IV năm nay.
Với Nhà An Gia, cũng phải tới năm 2024, công ty này mới trở thành nơi để An Gia cấp vốn cho The Lá Village. Trước đó, Nhà An Gia nhận tới hàng nghìn tỷ đồng của An Gia, nhưng chỉ với mục tiêu là bổ sung vốn lưu động cho các hợp đồng thế chấp. Cụ thể, năm 2021, Nhà An Gia nhận 1.311 tỷ đồng, năm 2022 nhận 1.501 tỷ đồng, năm 2023 nhận 1.136 tỷ đồng.
Dòng vốn loanh quanh trong hệ sinh thái An Gia còn tỏ ra bất tường hơn nữa ở khoản phải thu 622 tỷ đồng với Công ty An Gia Hưng Phát dưới hình thức hợp tác kinh doanh.
An Gia Hưng Phát mới thành lập tháng 6/2022, vốn điều lệ chỉ 100 triệu đồng, sáng lập bởi: Vũ Đình Cường 1%, Nguyễn Văn Huy 98%, Nguyễn Thị Lê Dung 1%. CEO, người đại diện là ông Nguyễn Văn Huy – nhân vật đang là người đại diện theo pháp luật của Công ty Nhà An Gia (đã nhắc ở trên).
Về bản chất, An Gia chỉ thuê An Gia Hưng Phát làm phân phối, môi giới, marketing cho dự án The Gió Riverside. Do vậy, việc An Gia rót tới 622 tỷ đồng cho An Gia Hưng Phát là một khoản chi quá lớn. Cần biết, An Gia Hưng Phát chỉ đăng kí có 3 lao động.
An Gia đã và đang trải qua giai đoạn không mấy dễ dàng. 9 tháng năm 2024, dòng tiền kinh doanh âm tới 864 tỷ đồng, do không còn được trợ lực từ nguồn tiền khách mua bất động sản trả trước. Việc bán hàng tại miền Nam hiện không thuận lợi, nếu không muốn nói là rất khó khăn, khiến triển vọng bán hàng của The Gió Riverside cũng trở nên bất định. Trong bối cảnh đó, việc chi tiền của An Gia là vấn đề được cổ đông và nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Việc đổ tiền qua lại trong hệ sinh thái để tạo lãi cho vay, có thể giải thích là mô hình đầu tư dự án khác biệt của An Gia, nhưng cũng thấp thoáng bóng dáng của các giao dịch nội bộ để “book” lợi nhuận. Không phải ngẫu nhiên cổ phiếu AGG “cắm đầu” suốt thời gian qua, bất chấp những lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng hơn của nhóm lãnh đạo An Gia, dù cho ai cũng hiểu “game” còn dài.
Đằng sau ‘game’ phát hành 40,6 triệu cổ phiếu của An Gia
Bất động sản
(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) mới đây đã công bố kế hoạch phát hành 40,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đằng sau động thái “bán giấy” này là cuộc vật lộn với nợ vẫn chưa có hồi kết của doanh nghiệp này.