Bản tin kinh tế 6/9: Các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam
Các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam; PMI ngành sản xuất vượt ngưỡng 50 điểm, đơn hàng mới tăng; Lượng sắt thép xuất khẩu tăng, kim ngạch giảm... là những tin tức kinh tế nổi bật trong ngày hôm nay (6/9).
Các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam
Theo thông tin được ông Nguyễn Thắng Vượng - Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương - chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Việt Nam - Địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức”, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thắng Vượng, thời gian qua xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ. Đơn cử, đến nay Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam, Tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn hai nhà máy kiểm định chip tại TP Hồ Chí Minh với tổng trị giá đầu tư 4 tỷ USD, Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỉ USD.
G7 vẫn tiếp tục áp giá trần cũ đối với các sản phẩm dầu thô của Nga
Các nguồn thạo tin cho hay Nhóm bảy Quốc gia Công nghiệp Phát triển hàng đầu Thế giới (G7) cùng đồng minh chưa thực hiện các cuộc đánh giá lại kế hoạch áp trần giá đối với dầu của Nga giữa bối cảnh giá dầu thô thế giới tăng cao.
Các bể chứa dầu thuộc công ty Lukoil của Nga tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
G7 cùng Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã áp đặt cơ chế trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào tháng 12 năm ngoái.
Sau đó sang tháng Hai năm nay, nhóm tiếp tục áp trần giá 45 USD/thùng đối với nhiên liệu nặng và 100 USD/thùng với nhiên liệu nhẹ như xăng và dầu diesel của Nga.
PMI ngành sản xuất vượt ngưỡng 50 điểm, đơn hàng mới tăng
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm. Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong 6 tháng.
Standard & Poor’s Global (S&P Global) - nhà cung cấp chỉ số và nguồn dữ liệu hàng đầu về xếp hạng tín dụng độc lập công bố báo cáo Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 8/2023. Trong đó có 3 điểm nhấn nổi bật, đó là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, việc làm tiếp tục giảm nhẹ, chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng.
Theo S&P Global, kết quả của chỉ số PMI tháng 8 là 50,5 điểm, tăng so với mức 48,7 điểm của tháng 7, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ. Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong 6 tháng, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng sau thời gian giảm kéo dài 5 tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn nhẹ, khi nhu cầu còn yếu.
Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái tăng cao
Trưởng ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) Trần Bích Ngọc cho biết, từ đầu năm đến đến ngày 4/9, tổng lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt hơn 1 triệu tấn hàng hóa, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tại cửa khẩu cầu Bắc Luân, có 31.209 phương tiện xuất nhập cảnh, vận chuyển 512.786 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2022, bình quân đạt 2.526 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu/ngày.
Tại lối mở km3+4 Hải Yên, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 511.963 tấn hàng với 31.272 phương tiện, bình quân mỗi ngày có 2.142 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2022.
Hàng xuất khẩu chủ yếu là hoa quả, bột sắn, thủy hải sản đông lạnh, hạt khô và tôm, cua, cá sống. Hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng tạp, hàng vải. Riêng trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ 1/9 đến 4/9), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt hơn 12,5 triệu USD.
Lượng sắt thép xuất khẩu tăng, kim ngạch giảm
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8 năm 2023 (1-15/8), cả nước xuất khẩu gần 335 nghìn tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt 235,5 triệu USD.
Như vậy, từ đầu năm đến 15/8, cả nước xuất khẩu 6,73 triệu tấn sắt thép các loại, tổng kim ngạch đạt 5,23 tỷ USD.
Lượng sắt thép xuất khẩu tăng. (Ảnh: Báo Công Thương) |
Đặc biệt, lượng sắt thép xuất khẩu tăng tới 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch giảm gần 10%.
Như vậy, trị giá bình quân mỗi tấn sắt thép xuất khẩu cũng giảm sâu so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, những tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 777 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 1.000 USD/tấn.