Bank và chứng hút tiền dòng tiền lớn, 'tân binh' tạo sóng
Mặc dù thị trường chứng khoán thất bại trong việc chinh phục mốc 1.300 điểm nhưng nhiều cổ phiếu vẫn thu hút được sự tham gia của dòng tiền lớn.
Trước áp lực bán liên tục gia tăng, thị trường chứng khoán đã thất bại trong việc chinh phục mốc 1.300 điểm trong tuần giao dịch vừa qua. Theo đó, chỉ số VN-Index đóng cửa tuần vừa qua tại mốc 1.270 điểm, giảm 30 điểm so với vùng đỉnh.
Mặc dù thị trường chưa thể phá ngưỡng cản tâm lý, tuy nhiên nhiên nhiều cổ phiếu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Trong số đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán để lại dấu ấn mạnh mẽ với mức thanh khoản kỷ lục.
OCB và ORS hấp thụ lượng tiền lớn trên HoSE
Trong tuần vừa qua, NO1 là cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE. Chốt phiên giao dịch 4/10, cổ phiếu No1 đóng cửa tại mức 9.200 đồng, tương ứng tăng 15,29% so với đầu tuần. Tính theo mức giá này, vốn hóa của Công ty CP Tập đoàn 911 đã vượt 220 tỷ đồng.
Không chỉ tăng mạnh về giá, khối lượng của cổ phiếu NO1 cũng vượt mức trung bình 20 phiên. Nguyên nhân chính khiến khối lượng của cổ phiếu NO1 tăng mạnh là do “cá mập” liên tục mua vào cổ phiếu này trong tuần qua.
Cụ thể, trong 3 ngày, ông Nguyễn Xuân Thanh đã mua tổng cộng 3,4 triệu cổ phiếu NO1 để nâng sở hữu từ 3,17%, lên 9,09% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn tại Tập đoàn 911.
Ngoài ông Thanh, bà Nguyễn Thị Hải, vợ ông Lưu Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT cũng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu NO1 để nâng sở hữu từ 4,1%, lên 8,27% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 8/10 đến ngày 8/11. Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hải đã mua 1.350.500 cổ phiếu NO1 để nâng sở hữu từ 0%, lên 5,63% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 1/10 và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Tập đoàn 911.
Xếp thứ hai về đà tăng là cổ phiếu L10 (13,91%). Chiếu theo mức giá đóng cửa của cổ phiếu trong phiên 4/10 là 25.800 đồng/cp, ước tính vốn hóa của Công ty CP Lilama 10 đã vượt 255 tỷ đồng.
Ở vị trí thứ ba là cổ phiếu FDC của Công ty CP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh - Fideco với đà tăng 13,89%. Mặc dù tăng mạnh song thanh khoản của cổ phiếu FDC chỉ ở mức khiêm tốn. Trong phiên giao dịch 4/10, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này chỉ có 100 đơn vị.
Với đà tăng 11,24%, cổ phiếu ORS của Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong xếp ở vị trí thứ 4 trong nhóm cổ phiếu bứt phá. Đà tăng mạnh của cổ phiếu đã đưa vốn hóa của Chứng khoán Tiên Phong vượt 4.800 tỷ đồng.
Không chỉ tăng mạnh về giá, ORS còn ghi nhận mức thanh khoản đột biến trong tuần qua với hàng chục triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Xếp ở vị trí thứ 5 là cổ phiếu SRC với đà tăng 7,94%. Đà tăng của cổ phiếu đã đưa vốn hóa của Công ty CP Cao su Sao vàng vượt 840 tỷ đồng.
Các vị trí còn lại của top 10 cổ phiếu thuộc về TDW (+6,93%), PMG (+6,67%), OCB (+6,22%), SGT (+5,82%), PSH (+5,29%).
Trong nhóm này, OCB cũng thu hút được sự chú ý khi “nổ volume” trong phiên giao dịch 4/10. Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần là TTF (-10,59%), SC5 (-10,45%), PDR (-8,77%), DXG (-8,16%), CMV (-8,07%), DRC (-8,04%), SGR (-7,99%), DPG (-7,50%), DBT (-7,39%), SVD (-7,04%).
SPI và CTP hụt hơi trên HNX, một "tân binh" tạo sóng trên UPCoM
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất là PTD (+33,90%), MCO (+29,52%), VMS (+18,41%), HMR (+17,07%), BST (+15,69%), PCG (+14,71%), HDA (+13,51%), VNT (+9,95%), NTH (+9,84%), PMC (+9,56%).
Ngược lại top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là GKM (-28,77%), SPI (-18,75%), ARM (-18,21%), KKC (-13,73%), PGN (-12,35%), DS3 (-11,29%), POT (-10,16%), CTP (-10,08%), ADC (-9,63%), TXM (-9,62%).
Trong các cổ phiếu trên, bộ đôi SPI và CTP gây ra bất ngờ bởi 2 cổ phiếu đều nhiều phiên phiên tăng trần liên tiếp trong tháng 9. Pha đảo chiều của 2 cổ phiếu này đã khiến không ít nhà đầu tư đu đỉnh trong tuần qua.
Trong diễn biến liên quan, HĐQT của Công ty CP Minh Khang Capital Trading Public (CTP) vừa quyết định miễn nhiệm ông Nguyễn Tuấn Thành khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Thay thế ông Tuấn Thành, ông Trần Công Thành, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 3/10.
Đáng nói, trước khi từ nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Thành đã thoái toàn bộ cổ phiếu CTP ngay tại vùng đỉnh. Cụ thể, từ 9/9-13/9, ông Thành đã bán 800.068 cổ phiếu CTP, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,61% xuống còn 0%.
Trên UpCoM, "tân binh" VDG của Công ty CP Vạn Đạt Group tạo sóng khi tăng tới 97,74%, bỏ xa phần còn lại. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch chỉ vỏn vẹn vài chục nghìn đơn vị.
Các vị trí còn lại trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn UPCoM gọi tên VDG (+97,74%), ATB (+40,00%), VNX (+40,00%), PLE (+39,58%), VHD (+38,78%), L43 (+37,50%), BIO (+37,42%), BBT (+36,73%), H11 (+34,55%), VIW (+33,33%).
Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là UEM (-35,17%), DAC (-32,43%), XDH (-26,45%), MPY (-25,00%), BTG (-24,42%), BSD (-23,45%), VLF (-23,08%), SAC (-23,00%), TEL (-21,99%), L35 (-21,62%).