Kết quả kinh doanh bảo hiểm: Hai nửa sáng – tối

Trong khi BVH - đại diện của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ - ghi nhận kết quả kinh doanh bảo hiểm tiêu cực trong quý II/2023 thì các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại báo lãi hết sức khả quan. Bức tranh kinh doanh bảo hiểm đang chia hai nửa sáng – tối, giữa bối cảnh những bất cập trong ngành bảo hiểm nhân thọ bị phanh phui trong thời gian qua.

Trái ngược kết quả kinh doanh bảo hiểm

Cuộc khủng hoảng bảo hiểm nhân thọ đã cho thấy hiệu ứng tiêu cực ngày càng rõ rệt. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm ước đạt 112.741 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9%.

Đi sâu hơn vào khối bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 15.508 tỷ đồng, giảm tới 38,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệu ứng này cũng phần nào được thể hiện trên kết quả kinh doanh của Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) – doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ duy nhất trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính, quý II/2023 đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BVH lỗ gộp. Theo đó, mức lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý vừa qua lên tới 759 tỷ đồng. Trước đó, trong quý IV/2022 và quý I/2023, mức lỗ gộp tương ứng ở mức 410 tỷ đồng và 111 tỷ đồng. Việc hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BVH lỗ gộp nặng trong quý II/2023 không chỉ do doanh thu thuần suy giảm mà còn do chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng lên.

Trái ngược với tình hình kinh doanh bảo hiểm của BVH, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại ghi nhận kết quả tích cực. Số liệu thống kê đối với Tổng công ty Bảo Minh (HoSE: BMI), Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (HoSE: BIC), Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI), Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG), Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI) và Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (HNX: VNR) cho thấy, tổng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp này đạt 830 tỷ đồng trong quý II/2023, cao nhất 10 quý gần đây.

Đồng thời, đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp khoản lãi gộp này gia tăng, từ 363 tỷ đồng tại quý III/2022 lên 692 tỷ đồng vào quý IV/2022, tiếp tục tăng lên 701 tỷ đồng vào quý đầu năm 2023. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, khoản lãi gộp này tăng gần gấp đôi.

Mặc dù có sự trái ngược trong kết quả kinh doanh bảo hiểm nhưng lợi nhuận sau thuế của nhóm bảo hiểm nhân thọ (với đại diện là BVH) và nhóm bảo hiểm phi nhân thọ (BMI, BIC, PTI, MIG, PGI, VNR) lại không có sự trái ngược về xu hướng. Đó là bởi vì BVH ghi nhận lợi nhuận gộp kỷ lục từ hoạt động tài chính.

Cụ thể, lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính của BVH lên đến gần 2.700 tỷ đồng trong quý II/2023, cao nhất 10 quý, gần gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là quý tăng thứ 3 liên tiếp. Đi vào chi tiết, quý

vừa qua, doanh thu hoạt động tài chính của BVH lên tới 3.612 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khoảng 2/3 là lãi tiền gửi, kế đó là lãi đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu và tín phiếu, các khoản lãi còn lại chiếm chưa tới 7%. Trong khi đó, chi phí hoạt động tài chính ở mức 913 tỷ đồng, tăng 62%, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí repo và lãi vay.

Kết thúc quý II/2023, BVH ghi nhận lãi sau thuế 427 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với 10 quý gần đây, mức lãi này thuộc hàng trung bình thấp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong danh sách thống kê ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế 528 tỷ đồng, cao nhất 10 quý gần đây, bất chấp lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính chỉ đạt 320 tỷ đồng – mức trung bình trong 10 quý. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng lợi nhuận sau thuế tăng gấp hơn 6 lần.

Trên thực tế, cùng kỳ năm ngoái (quý II/2022) là quý ghi nhận lợi nhuận sau thuế thấp nhất 10 quý của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm gia tăng trong khi lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính suy giảm mạnh.

Kết quả kinh doanh bảo hiểm: Hai nửa sáng – tối - Ảnh 1

Nâng cấp nhân lực để phát triển bền vững

Trong những năm qua, quy mô thị trường bảo hiểm phát triển nhanh khi tỷ lệ tăng trưởng doanh thu hàng năm kép (CAGR) của toàn ngành bảo hiểm đạt mức trung bình 20,7%/năm giai đoạn 2015 – 2022. Đáng chú ý, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ chỉ tăng trưởng 11,98%/năm, trong khi doanh thu bảo hiểm nhân thọ lên đến 26%/năm trong giai đoạn này.

Sự tăng trưởng “nóng” của ngành bảo hiểm nhân thọ trong những năm qua đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là vấn đề trình độ và đạo đức của người tư vấn bảo hiểm.

Chia sẻ tại diễn đàn “Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam” với chủ đề: “Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) tổ chức, ThS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc điều hành kinh doanh bộ phận phát triển Kênh đại lý, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam, nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý đang vào cuộc để làm trong sạch ngành bảo hiểm nhân thọ. Điều này là rất tốt cho sự phát triển bền vững của nghề bảo hiểm trong tương lai. Cùng với đó, khách hàng cũng có tư duy tốt hơn khi tham gia mua các sản phẩm bảo hiểm. Bản thân các tư vấn viên cũng phải tự nâng cấp mình lên để phục vụ nhu cầu khách hàng một cách khắt khe hơn”.

Đại diện Công ty Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam nhấn mạnh triển vọng của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là rất lớn. Tại Nhật Bản, có tới 90% người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ, ở Singapore là 70%, ở Malaysia là 50%, Indonesia 27% nhưng ở Việt Nam chỉ ở mức 11%. Theo chiến lược phát triển ngành bảo hiểm đến năm 2030, đến năm 2025, mục tiêu sẽ có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và nâng lên 18% vào năm 2030.

“Để tăng từ 11% lên 15% rồi 18%, nguồn nhân lực bảo hiểm nhân thọ cũng phải tăng lên và chất lượng nhân lực phải được nâng cấp để phù hợp hơn với bối cảnh hội nhập quốc tế. Điều này đang được các công ty bảo hiểm thực hiện theo hướng chuyên nghiệp hơn, áp dụng nhiều công nghệ hơn. Chúng tôi cũng đang phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới”, ông Sơn chia sẻ.

Một người làm tư vấn tài chính, theo ông Sơn, không chỉ cần có tư duy và kiến thức bảo hiểm nhân thọ mà còn phải có kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn như người làm nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ cần hiểu về luật, hiểu về ngành bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, vì những mảng đó có sự liên kết với nhau.

Bên cạnh nỗ lực từ các doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Thanh Sơn mong muốn nhà nước sẽ tạo điều kiện để phát triển hoạt động đào tạo chính thống, cung cấp các chứng chỉ về tài chính cá nhân để giúp người làm nghề trở thành nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp.

Bằng Lai

Theo VietnamFinance