Bất động sản 24h: Cò đất tung tin tạo sốt ảo ở Đà Nẵng
Cò đất tung tin tạo sốt ảo ở Đà Nẵng; Hà Nội sẽ có khu nhà ở xã hội quy mô trên 50ha... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Cò đất tung tin tạo sốt ảo ở Đà Nẵng
UBND TP. Đà Nẵng mới đây đã ra thông báo bác bỏ thông tin địa phương này sẽ tăng giá đất. Theo UBND TP. Đà Nẵng, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
Từ sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, tại một số khu đô thị ở Đà Nẵng, nhiều sàn giao dịch bất động sản (BĐS) đua nhau mở cửa trở lại. Một số nhân viên môi giới, cò đất cũng đồng loạt tung thông tin đất nền Đà Nẵng "nóng" trở lại để thu hút khách hàng. Họ một mặt rao bán các lô đất với giá "sụp hầm", đồng thời khẳng định đây là thời điểm vàng để đầu tư.
Cò đất tung tin tạo sốt ảo ở Đà Nẵng - Ảnh 1.
Nhiều sàn giao dịch bất động sản ở Đà Nẵng mở cửa trở lại sau thời gian ảm đạm từ dịch Covid-19 đợt 2
Chị Ng.Th.N (nhân viên sale của một công ty BĐS ở Đà Nẵng) khẳng định những thông tin sốt đất do một số người vẽ ra là hoàn toàn không có thật. Bởi từ trước Tết đến nay, thị trường BĐS Đà Nẵng gần như đóng băng hoàn toàn. Chị cùng nhiều đồng nghiệp không bán được lô đất nào trong suốt thời gian từ đợt dịch Covid-19 hồi tháng 7 năm ngoái đến nay. "Giá đất thì từ sau các đợt Covid-19 đã giảm so với trước khoảng 20%-30%. Gần đây, một số sàn chủ động giảm nhẹ thêm nhưng vẫn không thu hút được người mua" - chị N. cho hay.
TP.HCM: Đề xuất "giải cứu" hàng trăm dự án vướng đất công xen kẹt
Thông tin này được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong văn bản đề xuất về việc xác định tiêu chí phần diện tích đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập.
Nghị định 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 8/2/2021 đã mở ra hướng xử lý đối với phần đất công xen kẹt trong các dự án đầu tư - nguyên nhân gây ra tình trạng ách tắc, đứng hình của hàng trăm dự án trên địa bàn TP.HCM trong những năm qua.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng, Nghị định 148 mới chỉ là định hướng, còn cách thức xử lý cụ thể lại tùy thuộc vào địa phương. Vấn đề khó nhất chính là việc xác định tiêu chí phần diện tích đất công (thuộc nhà nước quản lý) nằm xen kẽ trong dự án đầu tư đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập.
Trên thực tế, HoREA cho biết, hầu hết phần diện tích đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư là đất rạch, kênh mương nội đồng, đường, bờ đất… Phần đất này thường có hình dáng bất định hình, nằm rải rác, xen kẽ, hoặc không có “số thửa đất” được đăng ký quản lý trong sổ bộ địa chính của địa phương, không đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập. Loại đất này được giao đất hoặc cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất và phải xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định.
Hà Nội sẽ có khu nhà ở xã hội quy mô trên 50ha
Trong năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với Hà Nội nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội độc lập, trong đó có dự án quy mô từ 50ha trở lên.
Thông tin này được Bộ Xây dựng chia sẻ trong văn bản trả lời cử tri TP. Hà Nội về việc tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng và thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện TP. Hà Nội đã giao các nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 301,64ha đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển quỹ nhà ở xã hội theo nguyên tắc: Cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn thành phố để hình thành các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.
Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn.
Ngày 31/12/2020, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình Chính phủ số 63/TTr-BXD về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập (không phân biệt quy mô sử dụng đất) như quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lấy ý kiến thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ pháp luật đầu tư và pháp luật nhà ở.
Bên cạnh đó, bổ sung khái niệm “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” để tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho các nội dung hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, xác định ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Lâm Đồng kiên quyết thu hồi dự án phá rừng
Công ty Sài Gòn - Đại Ninh của doanh nhân Phan Thị Hoa khi triển khai Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh để mất rừng và đất rừng, không trả tiền thuế đất, chây ì không triển khai dự án suốt một thập kỷ...
Dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh với tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh (trụ sở tại TP. Đà Lạt) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2010. Dự án nằm trên địa bàn các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia (huyện Đức Trọng) với tổng quy mô diện tích lên đến hơn 3.595ha, trong đó có trên 1.306ha đất quy hoạch lâm nghiệp.
Theo giấy phép, dự án được triển khai xây dựng từ năm 2010 - 2018 với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người. Thế nhưng đến giữa năm 2020, dự án trễ hạn hơn một năm rưỡi mà các hạng mục chính của dự án hầu như chưa được xây dựng. Như vậy, gần 10 năm qua, chủ đầu tư mới chỉ xây 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20km đường nội bộ...
Theo Thanh tra Chính phủ, gần chục năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định cho phép Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng 323ha đất để thực hiện dự án với số tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 158 tỷ đồng. Mặc dù được đôn đốc nhiều lần nhưng đến năm 2018 chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nói trên; do đó phát sinh thêm khoản tiền phạt chậm nộp khoảng 104 tỷ đồng.
Công an TP.HCM tìm nạn nhân của nhiều dự án ma
Công an TP.HCM vừa thông báo tìm nhóm khách hàng bị Trương Thanh Phong và đồng phạm chiếm đoạt tiền thông qua việc ký kết các hợp đồng góp vốn, đặt cọc chuyển nhượng đất nền tại các dự án ma.
Cụ thể, nhóm đối tượng này đã lập các dự án không có thật, sau đó phân lô bán nền trên đất chưa được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Thủ đoạn của các đối tượng này là thuê công ty đo vẽ sơ đồ phân lô thành nhiều nền đất, thuê công ty môi giới tìm kiếm khách hàng, quảng cáo gian dối, sau đó ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc chuyển nhượng và chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Một số dự án ma do nhóm đối tượng này lập ra gồm: Dự án khu dân cư Bùi Thanh Khiết ở thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), khu dân cư Gia Phát Riverside (trước đó là Bến Ngọc Riverside) tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), khu dân cư Vạn Phú tại thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), khu dân cư Võ Trần Chí tại phường Tân Tạo A (quận Bình Tân), khu dân cư Hưng Long tại xã Hưng Long (huyện Bình Chánh).
Trước đó, nhiều người dân tại TP.HCM cũng có đơn tố giác về việc CTCP Đầu tư xây dựng và Dịch vụ BĐS Vũ Gia Phát và CTCP BĐS Việt Á Châu có hành vi lừa đảo ký HĐ với nhiều khách hàng chuyển nhượng QSĐ thuộc các dự án có tên gọi là Gia Gia Phát Garden, dự án Khu dân cư New Star, Dragon Center tại huyện Hóc Môn. Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM xác định đây là các dự án không có thật nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.