Bất động sản 24h: Ủng hộ giải pháp gỡ khó cho condotel Đà Nẵng
Ủng hộ giải pháp gỡ khó cho condotel Đà Nẵng; Bình Dương vào Top 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Ủng hộ giải pháp gỡ khó cho condotel Đà Nẵng
Theo ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, các địa phương chủ động đối thoại và tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh phân khúc condotel khủng hoảng trầm trọng như trường hợp chuyển đổi dự án đủ điều kiện từ Condotel Cocobay sang chung cư là giải pháp cần thiết phù hợp với tình hình hiện tại.
Ông Trần Ngọc Chính đánh giá: Hiện nay, dư luận xã hội cho rằng tất cả các dự án condotel đều được chuyển đổi sang chung cư sẽ phá vỡ quy hoạch là suy nghĩ không đúng. Thực tế chỉ dự án có đủ điều kiện, đáp ứng về pháp lý khắt khe và đúng luật mới được chuyển đổi.
Còn theo quan điểm của Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam tại cuộc tọa đàm “Giải pháp pháp lý cho nhà đầu tư Condotel, nhìn từ Cocobay Đà Nẵng: "Có người đề nghị giải pháp pháp lý có thể là chuyển các loại condotel thành nhà ở. Nếu chỉ là một giải pháp đơn thuần trong trường hợp cụ thể thế này thì không có vấn đề, vì dự án có thể được chuyển đổi, được điều chỉnh quy hoạch nên đó cũng là giải pháp tốt. Nhưng trên bình diện toàn ngành thì không phải dự án nào cũng có thể làm được nên tôi đánh giá đây là giải pháp cho trường hợp cụ thể, còn trên bình diện toàn xã hội thì cơ quan chuyên ngành cần nghiên cứu trình Chính phủ bổ sung pháp luật để điều chỉnh loại hình công trình này”.
Nghiên cứu hồ sơ điều chỉnh quy hoạch của dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Tổ hợp Du lịch & Giải trí Cocobay) cho thấy, Dự án đã đáp ứng được các yêu cầu trên, đặc biệt, hai văn bản mới nhất của UBND TP Đà Nẵng (Văn bản số 3783/QĐ-UBND ngày 09/10/2020) và Cục Thuế TP Đà Nẵng (Văn bản số 3396/TB-CT ngày 30/10/2020) về việc phê duyệt giá đất cụ thể làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính, cũng như việc điều chỉnh tiền sử dụng đất tại dự án Phân khu quy hoạch 1 của dự án này làm cơ sở để chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Số tiền đối trừ sau khi điều chỉnh quy hoạch cho thấy chủ đầu tư còn dư trong ngân sách với số tiền hơn 1.555 tỷ đồng. Tiếp theo, dự án sẽ được tách sổ thành các cụm, và tách từng sổ chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Phát triển thị trường BĐS, nhà ở minh bạch, bền vững, thúc đẩy quá trình đô thị hóa
Đô thị hóa và phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước.
Sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020, đô thị hoá và phát triển đô thị của Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đạt được nhiều mục tiêu quan trọng đề ra.
Không gian đô thị được mở rộng, tốc độ tăng trưởng và số lượng đô thị tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hoá tăng từ 30,5% năm 2010 lên 39,3% năm 2020, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Hệ thống đô thị quốc gia đã từng bước hoàn chỉnh, với cấu trúc hệ thống theo mô hình mạng lưới phù hợp với điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên. Các đô thị trung tâm được phân bố khá đồng đều, hợp lý, trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng và trên cả nước.
Đô thị hoá đã góp phần đa dạng hoá các hoạt động kinh tế và thúc đẩy tích tụ kinh tế hiệu quả, gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát huy vai trò động lực, lan tỏa tri thức, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cạnh tranh, tác động lớn đến phát triển kinh tế thị trường năng động. Kinh tế đô thị là một trong ba “trụ cột” tăng trưởng kinh tế quốc dân, đóng góp gần 70% GDP của cả nước. Dân số đô thị tăng nhanh tại các đô thị lớn, khả năng tiếp cận và điều kiện sống được cải thiện. Các chính sách xã hội và phát triển dịch vụ xã hội tại đô thị đã được nhà nước quan tâm. Chiến lược nhà ở quốc gia đạt được nhiều kết quả tích cực.
Covid-19 thúc đẩy xu hướng hợp nhất tài sản bất động sản
Hiện tại, việc hợp nhất tài sản bất động sản đang là xu hướng và có khả năng trong tương lai gần, thị trường sẽ chứng kiến sự phát triển chung, liên doanh và thỏa thuận quản lý giữa các nhà phát triển và các công ty đã thành lập.
“Xu hướng này mang lại lợi ích cho người tiêu dùng khi các nhà phát triển yếu kém về tài chính bị loại khỏi thị trường, và cuối cùng các dự án chưa hoàn thiện cũng sẽ bộc lộ”, các chuyên gia Ấn Độ nhận định.
Xu hướng hợp nhất trên diễn ra ở tất cả những bên liên quan tới bất động sản như chủ đầu tư, tổ chức tài chính hay các đơn vị trung gian. Xu hướng đó đồng thời cũng cho thấy sự trưởng thành của thị trường bất động sản.
Các chuyên gia cho rằng, xu hướng hợp nhất tài sản bất động sản sẽ tăng tốc trong tương lai, nhất là đối với những doanh nghiệp sống sót qua thời kỳ đại dịch sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
Bình Dương vào Top 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh
Trong khuôn khổ Hội thảo Smart21 của ICF diễn ra từ ngày 23-25/02/2021 do thành phố Maple Ridge và thị trấn Langley, British Columbia, Canada phối hợp tổ chức được kết nối trực tuyến đến trụ sở chính của ICF tại thành phố New York, Mỹ và các thành phố khác trên thế giới, rạng sáng ngày 25-02 (giờ Việt Nam), Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu trên thế giới. Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh trong danh sách này, khẳng định hướng phát triển TPTM Bình Dương là đúng đắn, phù hợp với xu hướng thế giới.
Việc lựa chọn khu vực, thành phố đạt Smart21 năm 2021 bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2020, dựa trên các tiêu chí khắt khe của ICF liên quan đến sự thịnh vượng đồng đều về kinh tế, xã hội và sự phong phú về văn hóa, cùng nhau tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ và kiên cường.
Như vậy, Bình Dương một lần nữa khẳng định mình trong danh sách 21 vùng thông minh của thế giới trước những thách thức lớn mà hầu hết các quốc gia phải đối mặt trong năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các cộng đồng thông minh vẫn tập trung triển khai thực hiện các dự án đã đề ra với mục tiêu hướng đến sự hòa nhập, đa dạng và tiến bộ kinh tế trong một thế giới hậu Covid-19.
Cảnh giác "sốt đất ảo" ăn theo quy hoạch sân bay ở Bình Phước
Liên quan đến nguy cơ sốt đất ảo ăn theo quy hoạch sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng) tại Bình Phước, hôm nay (25/2), lãnh đạo huyện Hớn Quản cho biết, đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn và khuyến cáo người dân cảnh giác, cân nhắc kỹ trước khi giao dịch mua bán đất động sản.
Theo lãnh đạo huyện Hớn Quản, việc nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai trong và ngoài tỉnh Bình Phước tụ tập đông người, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế dẫn đến nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, một số đối tượng lôi kéo, xúi giục người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số bán đất, dẫn đến không còn đất sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đói, nghèo.
Lãnh đạo huyện Hớn Quản chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành tăng cường quản lý nhà nước và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng. UBND xã An Khương, Tân Lợi (khu vực sân bay Téc-Níc) phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi tụ tập đông người trái phép gây mất an ninh trật tự, không đeo khẩu trang; đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo người dân cảnh giác, không để đối tượng xấu lợi dụng nhằm trục lợi.