Bất động sản 24h: Đất nền TP.HCM và vùng vệ tinh đang diễn biến thế nào?
Đất nền TP.HCM và vùng vệ tinh đang diễn biến thế nào?; Giá nhà trên đà tăng, giấc mộng an cư càng xa tầm tay người thu nhập thấp... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Đất nền TP.HCM và vùng vệ tinh đang diễn biến thế nào?
Đây vốn là phân khúc BĐS được giới đầu tư quan tâm, tuy nhiên, việc khan hiếm nguồn cung đã kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo báo cáo nghiên cứu của DKRA Vietnam, trong tháng 11 toàn thị trường ghi nhận 4 dự án đất nền mở bán (tất cả các dự án đều thuộc giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường 378 nền, tương ứng 71% so với tháng 10/2020. Trong đó, tỉ lệ tiêu thụ đạt 72% (khoảng 273 nền), bằng 76% so với tháng trước đó.
Trong khi đó, tại thị trường giáp ranh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, trong tháng 11, đất nền cũng ghi nhận sự sụt giảm nguồn cung so với tháng trước đó. Cụ thể, tại Đồng Nai có 2 dự án mở bán với khoảng 248/297 nền được tiêu thụ. Chiếm tỉ lệ 78% nguồn cung và 91% tiêu thụ toàn thị trường.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản 2021: Nhìn lại thập kỷ đã qua để đón vận hội mới
Trải qua một thập kỷ thăng trầm, thị trường bất động sản đã liên tiếp đảo chiều với những dấu mốc khó quên, từ sự suy thoái đi lên thời kỳ đỉnh cao, rồi bỗng nhiên rơi xuống nốt trầm bởi đại dịch Covid-19. Xu hướng Nam tiến ồ ạt của năm nào đang bị thay thế bởi dòng chảy tài chính ngược về phía Bắc, đổ về các thị trường mới và rời xa vùng trung tâm.
Trước xu thế dịch chuyển đó, doanh nghiệp bất động sản đang có những bước đi chậm mà chắc để đón đầu các cơ hội mới, cùng góp phần thiết lập thị trường bất động sản ngày càng bền vững hơn.
Để nhìn lại bức tranh thị trường bất động sản 10 năm qua và chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong năm 2021, Cà phê cuối tuần ghi nhận những chia sẻ, ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp, những người cùng thăng trầm với thị trường bất động sản trong một thập kỷ qua: Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn; ông Trần Như Trung, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển và Tăng trưởng Xanh - EDGE; ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT TNS Holdings.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá nhà trên đà tăng, giấc mộng an cư càng xa tầm tay người thu nhập thấp
Giá căn hộ ở các thành phố lớn đang cao gấp vài chục lần so với thu nhập khiến việc sở hữu nhà ở của người dân càng trở nên xa vời. Theo thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam, giá bán căn hộ tại TP.HCM hiện cao gấp 7 lần thu nhập của lao động thuộc tầng lớp quản lý có kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần người lao động phổ thông và 28 lần người trẻ mới đi làm.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của DKRA Việt Nam, kể từ năm 2019 cơ hội mua được nhà của người trẻ càng thấp do hầu như thị trường không còn xuất hiện loại căn hộ giá trên dưới 1,1 - 1,5 tỷ đồng một căn. Cụ thể, trong 3 - 5 năm trở lại đây, giá căn hộ hạng C và hạng B từ mốc 16 - 21 triệu đồng mỗi mét vuông nay đã chạm ngưỡng 25 - 36 triệu đồng mỗi mét vuông.
Giá bất động sản không ngừng leo thang đã khiến cơ hội sở hữu nhà ngày càng khó khăn với người trẻ có mức thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, giá nhà trung cấp tại TP.HCM đã chạm ngưỡng 40 - 45 triệu đồng/m2, một số dự án 50 - 60 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, chia sẻ mới nhất về thị trường nhà ở quý III/2020 tại Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam thừa nhận, thị trường nhà ở Thủ đô cũng đang đối mặt với sự nhạy cảm về giá, ở khu vực ngoài vành đai 3 cũng đã có giá tới 60 triệu đồng/m2.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm 2020 rất khó nhận định
Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản SB Land nhận định, thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm 2020 đang rơi vào trạng thái rất khó đoán. Bởi lẽ, trong nửa đầu quý IV/2020, giá trị bất động sản tại một số khu vực không có nhiều biến động về giá khiến lượng giao dịch hầu như giảm hẳn so với cùng kỳ năm trước.
Đơn cử, thị trường bất động sản tại TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại ở một số phân khúc, lợi nhuận từ giá trị bất động sản tăng nhưng không đáng kể, so với cùng kỳ năm 2019 chỉ bằng 10 - 20%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những yếu tố khách quan như nguồn cung bất động sản giảm, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa…
Dù thị trường đang rơi vào trạng thái khó đoán định nhưng nhìn chung trong thời gian tới, bất động sản vẫn là kênh hút vốn đầu tư tốt do niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường không bị thay đổi nhiều. Thực tế, nhiều phân khúc vẫn có giao dịch tốt trong thời gian qua.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Loạn phân lô, bán nền trên giấy ở Vũng Tàu
Tình trạng các dự án treo gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng dự án là câu chuyện không mới. Tuy nhiên, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp trong đất quy hoạch dự án đang làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự địa phương và kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho người dân. Thế nhưng, tại các phường Nguyễn An Ninh, phường 10 và 11 của thành phố Vũng Tàu, hàng ngày đang diễn ra cảnh người dân mua đất phân lô trên giấy.
Trong vai một người muốn mua đất để xây nhà, theo lời giới thiệu của một cò đất, phóng viên đi sâu vào hẻm 456 đường 2/9, (khu Bàu Trũng) phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu để tìm gặp người giới thiệu bán đất. Tại khu đất trống cỏ mọc um tùm ở cuối hẻm, có một nhóm phụ nữ đang đứng giới thiệu đất cho người mua.
Một người tên H. đưa phóng viên xem bản phô tô giấy đỏ và tờ bản đồ tự phân khu này thành 91 lô đất. Người này cho biết, khu đất trên là nông nghiệp rộng hơn 8.000 m2 với 57 người đồng sở hữu, tùy vị trí và diện tích mà mỗi lô có giá dao động từ 500 đến 800 triệu đồng, nếu không đặt cọc sớm nay mai sẽ hết.
Xem thông tin chi tiết tại đây