Bất động sản 24h: Giá đất tăng từng ngày, dẹp loạn cò đất thổi giá thế nào?
Chặn đầu cơ, thổi giá bất động sản: Minh bạch giá trị đất đai; Xu hướng ly tâm thúc đẩy bất động sản địa phương dậy sóng... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Chặn đầu cơ, thổi giá bất động sản: Minh bạch giá trị đất đai
Thời điểm tháng 2/2020, cơn sốt đất chưa từng có làm dậy sóng huyện ngoại thành Châu Đức của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, cơn sốt tới nhanh nhưng đi còn nhanh hơn. Trong những người chen nhau mua đất Bình Ba chắc chắn không ít người ôm đất cũng như ôm nợ, khi thị trường BĐS đang “đứng hình” và dự án lớn thì chưa có bất cứ thông tin nào.
Tưởng rằng đây sẽ là bài học sâu sắc cho các nhà đầu tư, nhưng không, một năm sau (tháng 2/2021), cơn sốt đất tái hiện nguyên vẹn tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Nguyên nhân được cho là do một bộ phận người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-Ních với diện tích lên tới 500ha, sau khi đoàn khảo sát của tỉnh đến để khảo sát vị trí để xin chủ trương. Chỉ sau tầm 10 ngày, hiện tượng sốt đất đã nguội, dòng người tìm đến cũng không còn, bong bóng đã vỡ, hàng trăm nhà đầu tư vỡ mộng.
Hà Nội cần đấu giá quyền sử dụng đất công khai và hiệu quả
Đấu giá quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là đấu giá đất) được quy định rõ ràng trong hàng loạt văn bản pháp luật về đất đai và đấu giá tài sản, đồng thời đã được triển khai tại nhiều địa phương và đem lại lợi ích to lớn cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Việc quy hoạch đô thị sông Hồng trên địa bàn TP. Hà Nội hứa hẹn tạo ra một quỹ đất khổng lồ có giá trị cao không chỉ cho TP. Hà Nội, một nguồn thu ngân sách Nhà nước đặc biệt quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng của Thủ đô mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh ngàn năm có một cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, cũng như cơ hội đổi đời cho hàng vạn hộ gia đình.
Chính vì vậy, thực hiện đấu giá đất rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả là công cụ hữu hiệu cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận, khai thác và sử dụng quỹ đất có được từ triển khai quy hoạch đô thị sông Hồng một cách minh bạch, hiệu quả. Đồng thời đây còn là tiền đề thu hút các nguồn lực thực hiện quy hoạch với tốc độ cao nhất và chất lượng tốt nhất, đồng thời ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng tham nhũng, thao túng, lãng phí, phá vỡ quy hoạch và lợi ích nhóm trong quản lý và sử dụng đất đai.
Xu hướng ly tâm thúc đẩy bất động sản địa phương dậy sóng
Làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ hai cực hút Hà Nội và TP.HCM về các khu vực vùng ven hoặc các tỉnh để tìm cơ hội mới đã dần tăng nhiệt từ năm 2019 đến nay. Tác động của dịch Covid-19 càng đẩy mạnh quá trình này, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung tại thị trường Hà Nội và TP.HCM giảm mạnh. Cùng với đó là nhu cầu bất động sản tại các tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội đang gia tăng, đi kèm xu hướng đô thị hóa ngược - xu hướng người dân từ đô thị quay trở về nông thôn sinh sống, khiến cho sự chuyển dịch diễn ra càng nhanh hơn.
Quỹ đất lớn, dư địa phát triển dồi dào, nhu cầu tăng mạnh là những yếu tố không thể bỏ qua khi xác định một cuộc đầu tư đang trở thành cú hích để thị trường bất động sản các địa phương trở thành thỏi nam châm hút dòng vốn của các doanh nghiệp bất động sản.
Cùng với quá trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp, các khu đô thị mới với hạ tầng đồng bộ, đa dạng tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân địa phương các tỉnh được triển khai đang tạo ra sức hút lớn với các nhà đầu tư và người mua ở thực.
Đồng thời, những khu đô thị hiện đại, khang trang khi được hoàn thiện cũng góp phần làm thay đổi diện mạo của các địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Giao hơn 20.000m2 đất sạch không qua đấu giá cho doanh nghiệp có tiêu cực không?
Việc hàng loạt cựu quan chức có liên quan trực tiếp tới các vi phạm trong quản lý đất đai thời gian qua bị đưa ra xét xử đã cho thấy, đất đai là lĩnh vực có sức “cám dỗ” không nhỏ đối với một bộ phận quan chức.
Một số quan điểm cho rằng, những vụ vi phạm đất đai đã được phát hiện, xử lý công khai thời gian vừa qua chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Điều đó càng cho thấy rằng, việc tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và phát huy vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh, đẩy lùi tiêu cực tham nhũng trong lĩnh vực này.
Bình Định điều chỉnh “siêu” dự án liên quan đến đất quốc phòng
Mới đây, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ký quyết định 729/QĐ-UBND, về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch Hải Giang Merry Land. Dự án này do Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn làm chủ đầu tư.
Theo đó, tổng diện tích của dự án là 623.7058 ha, thuộc phân khu 4 và phân khu 5, khu kinh tế Nhơn Hội tại xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn. Sau khi điều chỉnh, dự án bị giảm khoảng 33 ha so với quy hoạch được duyệt trước đó.
Khu du lịch Hải Giang Merry Land có phía Bắc giáp vịnh Mai Hương (phân khu 4), phía Nam giáp biển Đông, phía Đông giáp núi Chóp Vung, núi San Hô và Mũi Yến, phía Tây giáp núi Phương Mai.
Theo UBND tỉnh Bình Định, mục tiêu của việc điều chỉnh này nhằm cụ thể hóa đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 514/QĐ-TTg ngày 8/5/2019 cũng như quy hoạch phân khu 4 và phân khu 5 đã được UBND tỉnh phê duyệt.