Bất động sản 24h: Sốt đất ảo là cuộc chơi của những đội lái
Sốt đất ảo là cuộc chơi của những đội lái, Đất nền giữ vững vương miện kênh đầu tư “vua”... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Cơn sốt đất 'ảo' tại nhiều địa phương là cuộc chơi của những đội lái
Cơn sốt đất hiện nay ở Bình Phước là “mô típ” quen thuộc từng diễn ra ở nhiều nơi. Đầu năm 2020 tại các khu vực Bình Ba thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng từng xảy ra cơn sốt đất tương tự ngay sau khi có đề xuất xây dựng khu đô thị của một tập đoàn lớn.
Đặc điểm của những cơn “sốt đất ảo” là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, hay các đại đô thị của các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch triển khai.
Thông qua lực lường “cò đất” hùng hậu giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật bởi những người này không có nhu cầu sử dụng đất. Cơn sốt đất cũng chỉ diễn ra một thời gian ngắn.
Dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh bị thu hồi, chủ đầu tư bất ngờ “thoát xác“?
Như Reatimes đã thông tin trong bài viết "Lâm Đồng đã thu hồi dự án Khu đô thị Đại Ninh 25.000 tỷ đồng?" , Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, Dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh được triển khai xây dựng từ năm 2010 - 2018 với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người. Thế nhưng đến giữa năm 2020, dự án trễ hạn hơn một năm rưỡi mà các hạng mục chính của dự án hầu như chưa được xây dựng.
Trong gần 10 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định cho phép Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng 323ha đất để thực hiện dự án với số tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 158 tỷ đồng. Mặc dù được đôn đốc nhiều lần nhưng đến năm 2018 chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính này. Đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ra quyết định điều chỉnh quyết định nói trên, trong đó có nội dung: Chưa thực hiện chuyển mục đích sang đất ở đối với diện tích hơn 166ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012.
Hơn nữa, quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư khi triển khai dự án đã vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng Hội trường không phép khoảng 560m2, 15 căn nhà chuyên gia không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng…Nghiêm trọng hơn, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh chưa lập hồ sơ tận thu lâm sản, chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng và đền bù tài nguyên rừng mà đã tiến hành làm đường giao thông.
Dự án để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đổ hóa chất đầu độc cây thông 3 lá, hay nhiều lần các đối tượng đưa xe cơ giới vào đào xới đất, múc hố để trồng cây nông nghiệp, khai thác mủ cây thông,… gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, làm giảm độ tán che hàng năm của địa phương.
Khánh Hoà: Dự án condotel đầu tiên chuyển đất sử dụng lâu dài thành đất 50 năm
Ngày 2/3/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định số 501/QĐ-UBND, về việc hủy bỏ quyết định số 2718/QĐ-UBND ngày 14/9/2016 của UBND tỉnh này đã ban hành trước đó. Quyết định mới này nhằm hủy bỏ việc cho phép Công ty cổ phần Du lịch Nhật Minh chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất tại số 18 Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, lý do hủy bỏ quyết định số 2718 là bởi trước đó UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản số 13228/UBND-XDNĐ ngày 17/12/2020, về hủy bỏ chủ trương cho phép doanh nghiệp chuyển mục đích sử đụng đất, từ đất thương mại dịch vụ sang “đất ở không hình thành đơn vị ở”, văn bản số 1794/UBND-XDNĐ ngày 22/3/2016 và 6007/UBND - XDNĐ ngày 31/8/2016 của UBND tỉnh.
Liên quan đến dự án này, vào cuối tháng 9/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định số 2554/QĐ-UBND về việc cho Công ty Nhật Minh thuê 2.541,4 m2 tại phường Lộc Thọ để thực hiện dự án Khu liên hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ du lịch và văn phong cho thuê Luna (tên thương mại Ariyana SmartCondotel Nha Trang). Khu đất trên có chức năng là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất đến ngày 15/5/2064.
Đất nền giữ vững vương miện kênh đầu tư “vua”
Mở đầu năm 2021 thị trường bất động sản chứng kiến những biến cố bất ngờ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. So với thời điểm này những năm trước, thị trường có phần trầm lắng hơn bởi sự lo ngại của nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp thay đổi kế hoạch. Tuy nhiên, không vì thế mà thị trường dừng lại, sau một năm có kinh nghiệm “sống chung” với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp thay đổi phương thức bán hàng, không còn tổ chức các sự kiện tập trung đông người mà thay vào đó là cách tư vấn, giao dịch bằng công nghệ…
Vì thế, nhiều dự án bất động sản bắt đầu có những kế hoạch ra hàng. Nhưng có một điểm khác biệt, đó là phân khúc đất nền được quan tâm hơn cả, có nhiều địa phương, bất chấp dịch bệnh, nhu cầu tìm kiếm, giao dịch đất nền khá sôi động.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, trong tháng đầu năm 2021, mức độ quan tâm tới các bất động sản bán như chung cư, nhà riêng,... tại Hà Nội và TP.HCM đều ghi nhận giảm so với thời điểm trước Tết Tân Sửu. Duy chỉ có nhu cầu mua đất dự án không sụt giảm.
Cụ thể, nhu cầu mua, thuê bất động sản trong 30 ngày trước Tết Tân Sửu tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là loại hình đất nền (tăng 38%) và đất nền dự án (tăng 32%). Điều này cho thấy, tâm lý thị trường thời điểm trước Tết vẫn duy trì ở mức tốt, bất chấp đợt bùng dịch tại thời điểm giáp Tết.
Theo nhiều nhân viên môi giới nhà đất, những ngày cận hoặc ngay sau Tết, không nhiều người đi mua, sản phẩm có nhiều, thậm chí có những bất động sản bán tháo, hạ giá, thì đây là cơ hội để người mua có nhiều sự lựa chọn, có thời gian lựa chọn và có quyền làm giá hơn.
Hà Nội tái giám sát, hàng loạt dự án ôm đất vàng bỏ hoang vào tầm ngắm
Thường trực HĐND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, theo Quyết định số 21 của HĐND TP. Hà Nội, bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố làm Trưởng đoàn - sẽ làm việc trực tiếp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và UBND các quận, huyện có dự án chậm triển khai và giám sát, khảo sát trực tiếp một số dự án chậm triển khai, chậm khắc phục vi phạm theo kết luận giám sát của HĐND Thành phố.
Qua giám sát sẽ đánh giá kết quả thực hiện kết luận giám sát HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời cập nhật tiến độ, kết quả xử lý các vi phạm và làm rõ các tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế trong tổ chức thực hiện xử lý vi phạm.