Bất động sản 24h: Giữa thời đại dịch, hàng loạt doanh nghiệp báo lãi tăng đột biến
Giữa thời đại dịch, hàng loạt doanh nghiệp báo lãi tăng đột biến; doanh nghiệp bất động sản ồ ạt gọi vốn để thực hiện những chiến lược kinh doanh mới... là những tin tức nổi bật nhất 24h qua.
Diễn biến lạ giữa thời đại dịch, đại gia lãi lớn chưa từng có
Hàng loạt doanh nghiệp lớn báo lãi tăng đột biến trong quý I và triển vọng tích cực cho cả năm cho dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là một diễn biến lạ nhưng không quá bất ngờ.
Theo báo cáo, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý I của Vingroup đạt gần 23,3 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD), tăng mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu và lợi nhuận của Vingroup tăng mạnh bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Doanh thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí trong quý của Vingroup giảm tới 48% so với cùng kỳ năm trước do sự hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long cũng thông báo lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7.000 tỷ đồng trong quý I, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt gần 31,2 nghìn tỷ đồng, tăng 62%.
Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ tăng gấp 5 lần cùng kỳ, lên 1.035 tỷ đồng; doanh thu thuần quý vừa rồi tăng 88%, lên hơn 10,8 nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp bất động sản ồ ạt gọi vốn để thực hiện những chiến lược kinh doanh mới
Trong báo cáo quý I/2021 mới công bố, Bộ Xây dựng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sôi động. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh về cả giá trị phát hành và lãi suất.
Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong tháng 3, các doanh nghiệp đã có tổng cộng 19 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 8.035 tỷ đồng. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với 5.460 tỷ đồng, tương đương 68%.
Một số công ty bất động sản huy động trái phiếu với giá trị lớn như Công ty CP Phát triển Bất động sản Nhật Quang (2.150 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng)...
Trước đó, đầu tháng 1/2021, nhiều doanh nghiệp lớn bất động sản cũng tham gia gọi vốn từ thị trường trái phiếu. Điển hình như Tập đoàn Vingroup thông báo về việc chào bán gần 70 triệu trái phiếu với mục đích tài trợ vốn cho hoạt động của công ty con. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng với kỳ hạn 36 tháng, tổng giá trị lên tới gần 7.000 tỷ đồng.
Lạng Giang (Bắc Giang): Nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Dự án khu dân cư thôn Hạ
Huy động vốn trái phép khi chưa được chấp nhận chủ trương đầu tư khiến cho cơ quan cảnh sát điều tra phải vào cuộc làm rõ. Đây là những gì đang diễn ra tại Khu dân cư thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa, Lạng Giang, Bắc Giang.
Tìm hiểu được biết, ngày 28/12/2017, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định số 2197/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề xuất Dự án; Xây dựng đường trục Cụm Công nghiệp Nghĩa Hòa – Khu trung tâm thị trấn Kép mở rộng theo hình thức hợp đồng Xây dựng - chuyển giao (BT). Nội dung nêu rõ, Nhà đầu tư dự án là Liên danh Công ty CP xây dựng 179 và Công ty TNHH Vũ Thịnh, doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH quản lý và xây dựng 668 (gọi tắt là Công ty 668).
Đáng chú ý, Quyết định nêu rõ: "Phương án thanh toán dự án và thu hồi vốn đầu tư, dự kiến giao cho nhà đầu tư qũy đất gồm 2 khu với tổng diện tích khoảng 21,79ha thuộc quy hoạch chi tiết Khu dân cư thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang và quy hoạch chi tiết Khu dân cư xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang để thực hiện dự án hạ tầng khu dân cư. Sử dụng giá trị quyền sử dụng đất của 9,97ha đất ở (phân lô, bán nền) để thanh toán dự án BT”.
Nhà thầu điêu đứng vì giá vật liệu “leo thang”
Giá vật liệu xây dựng không ngừng “leo thang” khiến các nhà thầu xây dựng đứng ngồi không yên, tìm mọi cách xoay xở với các công trình đã ký hợp đồng trước đó.
Hơn một tháng qua, ông Nguyễn Công Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Xây dựng Tấn Tài (TP.HCM) phải chạy đôn, chạy đáo tìm gặp các đối tác để xin được thương thảo lại hợp đồng đã ký hồi đầu năm. Tại thời điểm ký hợp đồng xây thô trọn gói, mức giá ông Tấn “chốt” là 3,6 triệu đồng/m2, giá sắt thép khi đó chỉ khoảng 14.000 đồng/kg, nhưng hiện tại, giá thép đã tăng lên gần 20.000 đồng/kg. Nếu không thương thảo lại, mà cứ tiếp tục thi công, chắc chắn, Công ty của ông Tấn sẽ bị lỗ nặng.
“Nếu giá vật tư chỉ tăng 3 - 5%, thì chúng tôi có thể chấp nhận tiếp tục thi công để giữ uy tín, chứ tăng chóng mặt như hiện nay thì vượt quá giới hạn chịu đựng. Nếu thương thảo không thành công, Công ty đành phải hủy hợp đồng và chấp nhận bồi thường”, ông Tấn thở dài.
Hiện nay, giá xây thô trên thị trường đã tăng lên mức hơn 4 triệu đồng/m2, nhưng trước tình hình giá vật liệu xây dựng không ngừng “leo thang” khiến giá công trình đội lên liên tục, nhiều nhà thầu như ông vẫn không dám chốt hợp đồng, trừ khi có thêm điều kiện được linh động kê lại giá theo chuyển biến của thị trường.
Nhờ sốt đất, nghề môi giới lên ngôi, “tay ngang” cũng kiếm tiền triệu mỗi ngày
Trong thời gian 4 tháng đầu năm 2021, nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng “sốt đất” khó tin. Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện tượng đất đai sôi sục khắp nơi, trung bình tăng 10% sau một tháng. Cá biệt một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng.
Đáng chú ý, nhiều nơi người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào cơn sốt, tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đầu tư vào đất đai. Nghề môi giới bất động sản cũng trở nên hấp dẫn, bởi bất động sản thường có giá trị cao, chính vì thế chỉ cần giao dịch thành công một mảnh đất, môi giới có thể nhận vài chục triệu đồng tiền hoa hồng, tương đương 4 - 5 tháng lương đối với các công việc văn phòng khác.
Nhiều cơn sốt đất đã qua, không thể không nhắc tới bàn tay của các môi giới “tay ngang”, hay còn được gọi là “cò đất”. Họ có thể là người dân địa phương có “sốt đất”, làm nghề xe ôm, bán trà đá, quán ăn… và cả những nhân viên từ các ngành nghề khác chuyển sang.