Bất động sản 24h: Mua nhà thời Covid-19, thu nhập 40 triệu/tháng vẫn “sấp mặt”

Mua nhà thời Covid-19, thu nhập 40 triệu/tháng vẫn “sấp mặt”; Hai phân khúc tiếp tục lội ngược dòng thị trường bất động sản cuối năm... là những thông tin bất động sản được quan tâm nhất 24h qua.

Mua nhà thời Covid-19, thu nhập 40 triệu/tháng vẫn “sấp mặt”

Dù đã “cân đo đong đếm” kỹ càng, nhiều lần “cầm lên đặt xuống” mới quyết định mua nhà, nhưng dịch Covid-19 bất ngờ ập đến làm nhiều người mua nhà rơi vào cảnh lao đao khi mọi dự tính không như dự tính.

Cuối năm 2019, Bích, lập trình viên của một công ty tại quận 1 TP.HCM, quyết định mua một căn hộ tại quận 12 sau 7 năm đi làm vì xác định sẽ sống và làm việc lâu dài tại thành phố. Căn hộ của cô rộng gần 60m2, trị giá 1,6 tỷ đồng.

“Khi mua nhà, tôi để dành được khoảng 600 triệu đồng, bố mẹ cho mượn 200 triệu, phần còn lại vay ngân hàng. Kế hoạch trả nợ ngân hàng chưa đến chục triệu mỗi tháng với thời gian vay 20 năm”, cô nói.

Covid-19 bất ngờ ập đến làm nhiều người mua nhà rơi vào cảnh lao đao khi mọi dự tính không như kế hoạch (Ảnh minh họa)  
Covid-19 bất ngờ ập đến làm nhiều người mua nhà rơi vào cảnh lao đao khi mọi dự tính không như kế hoạch (Ảnh minh họa)  
Cô gái 29 tuổi cho biết giá bất động sản tại TP.HCM trong những năm qua tăng rất mạnh nên muốn mua nhà sớm và coi đây là một khoản đầu tư. Thêm vào đó, với thu nhập khoảng 40 triệu đồng mỗi tháng, cô trích ra khoảng ¼ thu nhập để trả nợ ngân hàng là vừa sức nên cô không quá lo lắng.

Nhưng hiện tại, Bích đang đau đầu vì tình hình Covid-19. Trải qua 2 năm dịch bệnh, công ty làm ăn khó khăn, lương nhân viên vị cắt giảm phân nửa. Nguồn thu nhập khác đến từ các dự án bên ngoài cũng bị gián đoạn cả hai năm nay khiến Bích chật vật xoay xở khi vừa lo chi phí cho em trai học đại học và gồng gánh trả góp tiền nhà.

Dừng tất cả các công trình xây dựng tại Hà Nội 15 ngày để phòng, chống dịch Covid-19

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng dừng mọi hoạt động xây dựng tại tất cả các công trình trong vòng 15 ngày để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, ngay sau khi TP. Hà Nội áp dụng giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra Văn bản số 6314/SXD-TTr về việc triển khai thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.

Đối với các công trình trọng điểm cấp bách, chủ đầu tư có văn bản đề nghị, cam kết gửi UBND quận, huyện, thị xã sở tại, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố xem xét cho phép hoạt động. Công trình thuộc diện trọng điểm cấp bách chỉ được hoạt động sau khi được UBND thành phố cho phép. Trong quá trình hoạt động phải đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch; chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục của UBND cấp huyện, cấp xã trong việc phòng, chống dịch khi hoạt động.

Hai phân khúc tiếp tục lội ngược dòng thị trường bất động sản cuối năm

Dù bức tranh chung của thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm vẫn khó đoán định nhưng nhờ “sức mạnh” của nhu cầu thực, bất động sản nhà ở và bất đông sản công nghiệp vẫn tiếp tục là điểm sáng.

Thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả so với nhiều kênh đầu tư khác, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh (Ảnh minh họa)  
Thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả so với nhiều kênh đầu tư khác, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh (Ảnh minh họa)  
Theo đánh giá của các chuyên gia, kịch bản thị trường bất động sản cuối năm vẫn phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả so với nhiều kênh đầu tư khác, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng.

Trên thực tế, cho đến thời điểm này, thị trường bất động sản không chỉ hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài mà ngay cả tiền từ các kênh đầu tư như chứng khoán, ngân hàng… cũng đang “chảy” vào thị trường bất động sản với sự đầu tư dài hạn hơn và kỳ vọng hiệu suất sinh lời cao hơn, khi thị trường chứng khoán có nhiều rủi ro, lãi suất ngân hàng xuống thấp kỷ lục. Nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam bị thu hẹp hoạt động bởi dịch bệnh nên cũng có xu hướng chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Tuyên Quang: Sắp có khu đô thị mới gần 355 tỷ đồng bên bờ sông Lô

Khu đô thị mới bên bờ sông Lô có địa chỉ tại phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang có tổng diện tích gần 20ha.

Dự án khu đô thị mới bên bờ sông Lô được UBND tỉnh Tuyên Quang chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 7/2020 với mục tiêu hình thành một khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bao gồm đất ở, đất thương mại - dịch vụ, đất công trình công cộng, đất cây xanh - mặt nước, đất tôn giáo tín ngưỡng, đất hạ tầng kỹ thuật. Khu đô thị mới bên bờ sông Lô có số lượng sản phẩm lên đến 539 lô nhà liền kề, biệt thự cùng hệ thống các tiện ích đầy đủ. Tổng diện tích dự án 19,80ha nhưng mật độ xây dựng đô thị chỉ chiếm khoảng 36% còn lại là diện tích công viên cây xanh, mặt nước hồ cảnh quan.

Chật vật bám trụ Hà Nội hay lựa chọn về quê sống dư dả?

Phố thị luôn khắc nghiệt, bon chen. Ở lại hay đi cũng không thể là câu chuyện do cảm xúc quyết định.

Trong thời đại hội nhập và phát triển, chất lượng cuộc sống con người ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường. Chính điều đó đã khiến giới trẻ hiện nay luôn áp lực trước những thử thách và chênh vênh giữa những lối đi riêng.

Người bám trụ thành phố, cố gắng phấn đấu, nuôi hy vọng được “an cư lập nghiệp” thành công. Người lại chọn con đường về quê, thà lương thấp nhưng cuộc sống nhẹ nhàng, bớt bỏ áp lực.

Đó cũng là câu chuyện của anh B. V. Ngọc và vợ Tr. T. Hoa quê ở Nghệ An, cố gắng bám trụ Hà Nội sinh sống trong suốt 5 năm nay.

Ba phân khúc bất động sản giá "lao dốc", có loại giảm tới 50%

Bên cạnh một số phân khúc tiếp tục ghi nhận mức tăng giá như căn hộ, nhà đất, khu công nghiệp… thì xuất hiện nhiều sản phẩm bất động sản cho thuê có xu hướng giảm giá mạnh.

Colliers Việt Nam - một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản - vừa công bố báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản quý II năm nay. Báo cáo cho thấy, bên cạnh một số phân khúc tiếp tục ghi nhận mức tăng giá như căn hộ, nhà đất, khu công nghiệp… thì xuất hiện nhiều sản phẩm bất động sản cho thuê có xu hướng giảm giá mạnh.

Theo chuyên gia Colliers, bắt đầu từ tháng 5, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 nổi lên tại Việt Nam, đã khiến cho nhiều thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16.

Diễn biến trên khiến cho thị trường bán lẻ gặp phải khó khăn lớn trong thời gian qua khi các trung tâm thương mại lớn buộc phải đóng cửa và nhà phố chịu sự đìu hiu, vắng vẻ do khách thuê không thể trụ vững trước dịch bệnh.

Linh San (tổng hợp)

Theo Reatimes