Bất động sản 24h: Vì sao dòng tiền vẫn đổ mạnh vào bất động sản?
6 yếu tố nhận diện diễn biến thị trường nhà ở nửa cuối năm 2021; Đánh thuế bất động sản “bỏ hoang” để chặn đầu cơ, tránh lãng phí?... là những thông tin bất động sản được quan tâm nhất 24h qua.
Vì sao dòng tiền vẫn đổ mạnh vào bất động sản?
Có một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường bất động sản (BĐS) là dịch Covid-19 khiến lực cầu vào BĐS suy giảm, kéo theo giao dịch giảm gần như ở hầu hết các phân khúc thị trường trong quý II/2021.
Tuy nhiên, theo các đơn vị nghiên cứu, giá BĐS vẫn tăng, tổng tiền vào thị trường có nhu cầu đầu tư BĐS vẫn có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam về phân khúc nhà ở TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2021, tuy nguồn cung sơ cấp giảm xuống mức thấp nhất, nhưng giá bán vẫn có xu hướng tăng thị trường vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực và triển vọng, đặc biệt là trong trung và dài hạn.
Đơn vị này chỉ ra, dưới những tác động tiêu cực của làn sóng Covid từ đầu quý II/2021, lượng căn hộ mới mở bán tại TP.HCM bị hạn chế, cộng với số lượng hàng tồn kho thấp từ các quý trước, dẫn tới nguồn cung sơ cấp chỉ đạt 3.700 căn, mức giảm thấp nhất theo năm 18%.
Cũng theo đó mà tỷ lệ hấp thụ của phân khúc này xuống tới mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, với tổng lượng giao dịch chỉ gần 1.400 căn, giảm 35% theo quý và 36% theo năm. Các căn hộ hạng B dẫn đầu lượng giao dịch với 49% thị phần, và đạt tỉ lệ hấp thụ cao nhất ở mức 52%.
Tuy vậy, giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp tăng, với gần 40% dự án tăng lên trong quý, lên đến 15%.
Thái Bình: Tìm nhà đầu tư cho dự án Khu dân cư phía Đông đường Võ Nguyên Giáp
Dự án Phát triển nhà ở thương mại Khu dân cư phía Đông đường Võ Nguyên Giáp là dự án được đánh giá phù hợp với định hướng phát triển TP. Thái Bình, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Dự án đang được tỉnh mời đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình vừa công bố Dự án Phát triển nhà ở thương mại Khu dân cư phía Đông đường Võ Nguyên Giáp, phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình. Tổng diện sử dụng đất của dự án là 306.555m2, số vốn cần đầu tư là hơn 2.259 tỷ đồng. Quy mô dân số khoảng 4.677 người. Mật độ xây dựng 35,1%; hệ số sử dụng đất 1,8 lần. Dự án có 716 căn nhà ở thấp tầng, nhà ở chung cư thương mại cao tầng có chiều cao tối đa 35 tầng.
Địa điểm thực hiện dự án tại phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình. Phía Bắc giáp các ô đất ký hiệu HH-03, HH-04, HH-05, BĐBP Quy hoạch phân khu Khu đô thị Hoàng Diệu, TP. Thái Bình; phía Đông giáp đê tả sông Trà Lý; phía Nam giáp đất nông nghiệp; phía Tây giáp đường Võ Nguyên Giáp.
Kịch bản nào cho bất động sản nghỉ dưỡng sau lần bùng dịch Covid-19 lần thứ 4?
Theo ghi nhận từ Savills, dù thị trường khách sạn nghỉ dưỡng Hà Nội đã có sự phục hồi vào tháng 4/2021, tuy nhiên làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy công suất phòng của quý II/2021 xuống còn 27%. Giá phòng trung bình đạt 77 USD/phòng/đêm, giảm 9 % theo năm. Khách sạn 5 sao dẫn đầu với doanh thu phòng trung bình đạt 28 USD/phòng/đêm nhờ nhóm khách chính là khách công tác và khách lưu trú dài ngày.
Tương tự, tại TP.HCM, trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các biện pháp giãn cách đã được thành phố áp dựng, khiến cho nhu cầu lưu trú khách sạn sụt giảm, 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động. Nguồn cung giảm 11% theo quý ở cả ba phân khúc.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho hay: “Thị trường khách sạn Hà Nội hiện vẫn đang đứng vững trước đại dịch với công suất chỉ đạt 27%. Nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành du lịch khi việc triển khai vaccine sẽ giúp du lịch quốc tế được mở cửa. Theo đó, Việt Nam hoàn toàn có thể trải qua những khó khăn đó khi du lịch trở lại”.
6 yếu tố nhận diện diễn biến thị trường nhà ở nửa cuối năm 2021
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây đã công bố báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021, theo đó ghi nhận phân khúc căn hộ nhà ở tại thị trường Hà Nội tiếp tục giảm sút. Tổng lượng cung đủ điều kiện bán hàng trong 6 tháng chỉ bằng 42,7% so với cùng kỳ năm 2019 và 67,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng sản phẩm nhà ở chào bán trên toàn thị trường Hà Nội đạt 4.578 sản phẩm. Gồm 3.726 căn hộ và 852 thấp tầng. Giao dịch đạt 1.094 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 23,9%. Trong đó, thấp tầng là dòng sản phẩm có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất với 49,8%, căn hộ cao cấp có tỉ lệ hấp thụ thấp chỉ đạt 9,2%.
Đáng chú ý, trong quý II ghi nhận có lượng lớn sản phẩm tồn kho từ quý I nhưng không được tiếp tục chào bán. So với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2020, lượng căn hộ chào bán trên toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 85,1%. So với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019, lượng căn hộ chào bán trên toàn thị trường chỉ đạt 51,7%. Đáng quan ngại là trong quý II/2021 không có dự án mới nào tại thị trường Hà Nội được cấp giấy phép đủ điều kiện bán hàng.
Đánh thuế bất động sản “bỏ hoang” để chặn đầu cơ, tránh lãng phí?
Theo ý kiến của các chuyên gia, đây là một đề xuất khá “táo bạo” của Hà Nội, nhưng việc xử lý các dự án này là rất cần thiết.
Hiện nay, tại Thủ đô Hà Nội và khu vực lân cận đang tồn tại nhiều dự án bất động sản bỏ hoang, từ chung cư, nhà liền kề đến các biệt thự có giá lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi căn. Có rất nhiều lý do dẫn đến việc chậm đưa vào sử dụng, nhưng có một điểm chung là các bất động sản bỏ hoang này đang làm xấu hình ảnh đô thị, lãng phí tài nguyên và tạo ra sự bức xúc trong nhân dân. Mới đây, Hà Nội đã đề xuất đánh thuế đối với các bất động sản bỏ hoang này. Đề xuất ngay lập tức gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận.