Bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn hút khách nhờ lợi thế hạ tầng

Kết nối hạ tầng giữa các tỉnh thành phía Bắc khá tốt nên các khu công nghiệp nhận được lượng quan tâm lớn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn hút khách nhờ lợi thế hạ tầng - Ảnh 1

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy ngành sản xuất và chế biến chiếm hơn 70% tổng số FDI, phản ánh sự ưu tiên của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Các tập đoàn công nghệ lớn như: Samsung, LG, Intel, Foxconn đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất điện tử của khu vực. Gần đây, tổng vốn đầu tư của Foxconn vào Việt Nam đã được nâng lên mức 1,5 tỷ USD với dự án nhà máy tại Bắc Giang phục vụ việc lắp ráp và chế xuất linh kiện điện thoại. Điều này cũng thể hiện xu hướng đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao ở khu vực miền Bắc.

Việt Nam nằm ở vị trí thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất. Ông Thomas Rooney phân tích: “Vị trí địa lý của Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng đang gia tăng đáng kể, không chỉ từ các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn từ các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đã có mặt lâu đời tại Trung Quốc và đang tìm cách đa dạng hóa hoặc rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc”.

Tại khu vực miền Bắc, với các tỉnh trọng điểm như: Bắc Ninh, Hải Phòng và Thái Nguyên, đang trở thành điểm đến hàng đầu của các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất. Bắc Ninh, với vị trí gần Hà Nội và cơ sở hạ tầng phát triển, đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn từ các tập đoàn đa quốc gia.

 Hãng tư vấn dịch vụ bất động sản Savills cho biết, thị trường bất động nghiệp phía Bắc đang có nhiều ưu thế hút dòng vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất. Nhiều tỉnh trọng điểm như Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn đến từ các tập đoàn đa quốc gia thời gian qua.

Giá thuê đất công nghiệp cạnh tranh là lợi thế của thị trường phía Bắc. Dữ liệu của Savills cho biết giá thuê đất trung bình 138 USD (khoảng 3,4 triệu đồng) một m2, thấp hơn 20% so với phía Nam. Đơn cử, để thuê các vị trí chiến lược thuộc khu vực cấp độ 1 như TP HCM hay Bình Dương, khách thuê có thể phải chi đến 300 USD mỗi m2. Trong khi đó tại các khu vực cấp độ 1 ở phía Bắc như Bắc Ninh hay Hải Phòng, giá thuê chỉ khoảng 180 USD mỗi m2.

Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh cũng thúc đẩy tiềm năng phân khúc bất động sản công nghiệp tại phía Bắc, theo Savills. Hiện miền Bắc có 10 tuyến đường cao tốc đã hoàn thành và 4 dự án khác đang triển khai, còn miền Nam có khoảng 7 tuyến cao tốc. Bà Phạm Thị Thu Trang, Quản lý cấp cao, bộ phận Phát triển kinh doanh công nghiệp tại Core5 - Indochina Kajima, cho biết hạ tầng đường bộ phát triển sẽ tối ưu khả năng kết nối từ các khu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí logistics. Các tuyến cao tốc kết nối khu công nghiệp với Hà Nội và biên giới Trung Quốc, theo bà Trang, càng làm tăng sức hút của thị trường miền Bắc với nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng quan điểm, ông David Jackson, Tổng giám đốc hãng dịch vụ bất động sản Avison Young Việt Nam, đánh giá kết nối hạ tầng giữa các tỉnh thành phía Bắc khá tốt nên các khu công nghiệp nhận được lượng quan tâm lớn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính hết quý II, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Hà Nội và vùng ven khoảng 86%. Giá thuê trung bình cũng ghi nhận đà tăng 5-7% theo quý, tùy khu vực.

Bà Phạm Thị Thu Trang, Quản lý cấp cao, Bộ phận Phát triển Kinh doanh Công nghiệp tại Core5 – Indochina Kajima chia sẻ: “Tại Việt Nam, giao thông đường bộ vẫn là phương thức vận tải chính, vì vậy khả năng di chuyển thuận lợi từ các khu sản xuất đến các thị trường tiêu thụ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí logistics. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc kết nối khu công nghiệp với Hà Nội và biên giới Trung Quốc càng làm tăng sức hút của miền Bắc đối với nhà đầu tư nước ngoài”.

So với miền Nam, miền Bắc có nhiều khu kinh tế hơn theo quy hoạch của Chính phủ, trong đó, đáng chú ý là khu kinh tế ven biển mới tại Hải Phòng với quy mô hơn 20.000ha. Miền Bắc cũng thu hút đầu tư nhờ tính cạnh tranh về nguồn lao động, khi mức lương trung bình tại miền Nam hiện đang ở mức cao nhất trong cả nước, ghi nhận 9,3 triệu VNĐ.

Chuyên gia nhấn mạnh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đặc biệt, việc cải thiện mạng lưới giao thông kết nối các khu công nghiệp và thị trường tiêu thụ sẽ tối ưu hóa chi phí logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cẩm Tú

Theo Chất lượng và cuộc sống