Bất động sản hậu COVID-19: Nhà đầu tư đổ xô đi đòi nhà và đất
Sau nhiều ngày “ai ở đâu, ở yên đó”, đến nay người dân đã được mở cửa đi lại, thị trường mua bán bắt đầu sôi động thì cũng là lúc nhà đầu tư tất bật đòi lại nhà và đất đã mua trước đó từ các công ty bất động sản thiếu uy tín. Thậm chí, nhiều hộ dân phải gõ cửa các cơ quan chức năng để cầu cứu.
Thị trường bất động sản (BĐS) vừa có một khoảng thời gian dài thử thách, bởi đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế, đời sống và xã hội trên cả nước. Nhiều tỉnh thành, thị trường BĐS gần như đóng băng, 6 tháng đầu năm 2021 được ví như “chiếc lò xo” bị nén khi dịch bùng phát, mỗi đợt dịch bùng thì nhu cầu sở hữu nhà ở lại tăng mạnh, thị trường bị nén càng mạnh thì lực bật càng cao.
Sau khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát hiệu quả, các địa phương chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn thì mức độ quan tâm của các nhà đầu tư ngay lập tức cải thiện nhanh chóng. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) sau đợt dịch 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau đợt 2 tăng 62% và sau đợt 3 tăng mạnh tới 378%. Song song với sự quan tâm của thị trường, các chủ đầu tư đang chuẩn bị cho sự trở lại với các dự án lớn nhỏ trên nền tảng online trong bối cảnh chưa thể tổ chức những buổi giới thiệu tập trung như trước đây.
Tuy nhiên, cũng có nhiều khách hàng phản ánh về tình trạng chậm bào giao đất, nhà ở dẫn đến việc người dân khó khăn vì không có nhà để ở. Đơn cử trường hợp dự án phân lô tại huyện Chơn Thành, Bình Phước do Tập Đoàn Địa Ốc Hoàng Cát (Quốc Lộ 14, ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) làm chủ đầu tư.
Theo đó, nhân viên tư vấn bán hàng đã “thổi” vào tai khách hàng bằng việc cam kết khi khách hàng mua đất nền của dự án, đồng thời cam kết các tiện ích như: hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có thể xây nhà ở, có đường đi và sẵn sàn mua lại sản phẩm nếu khách hàng có nhu cầu bán lại… Thế nhưng hứa là một chuyện, “thượng đế” mua nền đất này đã phải “khóc ròng” khi chủ đầu tư trốn tránh, không giải quyết. Các vấn đề mà khách hàng gặp phải như, không có đường đi, không biết bị trí lô đất, là đất nông nghiệp nên không xây được nhà, không có các tiện ích về cơ sở hạ tầng. Và đến giờ, khách hàng vẫn loay hoay không biết sử dụng miếng đất đã mua thế nào nên đã cầu cứu các cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Trường hợp khác, Anh Nguyễn Thanh S. – đại diện cho nhóm khách hàng hơn 300 người mua căn hộ cho biết họ đang rất hoang mang, gửi đơn cầu cứu khắp nơi vì những bất cập tại dự án Dự án
Roxana Plaza (quốc lộ 13, khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), theo anh S, từ quý 1/2018 khách hàng biết đến dự án này thông qua các sự kiện giới thiệu, mở bán do Công ty cổ phần Naviland tổ chức. Thời điểm này, Công ty Naviland tự nhận là chủ đầu tư của dự án và sau đó trực tiếp đứng ra ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng. Navilanđ cam kết, dự án sẽ được bàn giao vào ngày 31/12/2020 hoặc trễ hơn trong giới hạn cho phép là 180 ngày (tức ngày 30/6/2021).
Tuy nhiên, ngày 20/5/2021 Naviland gửi thông báo tới khách hàng sẽ dời thời hạn bàn giao nhà vào khoảng thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2022 khiến khách hàng vô cùng bức xúc. Đến đây, khách hàng phát hiện thêm hàng loạt sai phạm khác của Naviland.
Cụ thể, cho đến nay chủ đầu tư thực sự của dự án Roxana Plaza không phải là Công ty Naviland mà là Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại đầu tư bất động sản Tường Phong. Tuy nhiên, trong cuộc họp với khách hàng ngày 26/6/2021, ông Hoàng Tùng – Tổng giám đốc mới bổ nhiệm của Naviland đã thông tin về những mâu thuẫn nội bộ trong bộ phận lãnh đạo của Naviland. Đây mới là nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ và có khả năng bị “tạm ngừng vô thời hạn”.
Để tránh mắc vào "bẫy" của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu uy tín, không có tên tuổi trên thị trường, nhà đầu tư cần cảnh giác trước những dự án chưa có đầy đủ pháp lý, tránh trường hợp các công ty “gài” khách hàng bằng những dự án “ma”. Hiện nay xuất hiện nhiều chiêu trò tinh vi khiến khách hàng có khả năng bị mất trắng hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng vào các dự án mà chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, dẫn đến huy động vốn và chiếm dụng vốn của khách hàng.