Nhiều ông lớn địa ốc ‘bất ngờ’ đổ bộ vào Lạng Sơn, thị trường bất động sản nơi này sẵn sàng bùng nổ?
Trong những năm gần đây, với nhiều lợi thế hút vốn đầu tư, Lạng Sơn bỗng trở thành một điểm đầu tư lý tưởng của giới đầu tư địa ốc. Nhiều ông lớn như Vingroup, FLC Group, Sovico, Tân Hoàng Minh, IDJ,…cũng đã và đang đổ bộ nơi này nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Sở hữu nhiều thế mạnh hút đầu tư
Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông như tỉnh Quảng Ninh, phía Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới. Mặt khác, có đường sắt liên vận quốc tế, là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, khoa học – công nghệ với các tỉnh phía Nam trong cả nước, với Trung Quốc và qua đó sang các nước vùng Trung Á, châu Âu và các nước khác…
Với hơn 250 km đường biên giới, với nhiều cửa khẩu, chợ biên giới, Lạng Sơn sở hữu vị trí địa kinh tế tốt, rất thuận lợi cho thương mại biên giới, hoạt động xuất nhập khẩu và các dịch vụ liên quan phát triển. Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc đang là thị trường xuất nhập khẩu (XNK) lớn nhất của Việt Nam và cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tại Lạng Sơn cũng ngày càng được hoàn thiện và nâng cấp đã kết nối với các tỉnh kế cận như Cao Bằng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Điều đó không chỉ rộng mở con đường giao thương mà còn mang lại nhiều giá trị lớn về mọi mặt cho toàn tỉnh trong đó có bất động sản.
Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm: dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 115km… đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, du lịch cũng là một điểm sáng thu hút nhà đầu tư. Cụ thể, mục tiêu phát triển du lịch bền vững của mỗi địa phương gắn liền với những thế mạnh sẵn có mà không phải nơi nào cũng có được. Lạng Sơn được xem địa phương có thể phát triển du lịch bền vững khi vừa là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống với 540 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh cũng là tỉnh vừa có núi, vừa có sông, vừa có hang động ngay trong lòng thành phố cùng hệ thống chợ nổi tiếng: chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa…
Năm 2018, khách du lịch đến thành phố đạt gần 1,8 triệu lượt (tăng 3% so với cùng kỳ năm trước), trong đó khách quốc tế trên 180.000 lượt, khách nội địa trên 1,5 triệu lượt. Với mục tiêu của thành phố đến năm 2020 là đưa ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội, Lạng Sơn vẫn cần thêm nhiều các dự án bất động sản, du lịch sinh thái… để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và góp phần thay đổi bộ mặt đô thị.
Nhiều ông lớn bất động sản tìm về đầu tư
Nhận diện được tiềm năng phát triển của Lạng Sơn, thời gian qua, khá nhiều nhà đầu tư đã quyết định “đổ” vốn vào địa phương này. Và một trong những nhà đầu tư lớn tiên phong có mặt tại Lạng Sơn là Tập đoàn Vingroup với dự án Vincom Shopouse được triển khai từ năm 2016. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng gồm tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố trên tổng diện tích đất hơn 12.000 m2 tọa lạc tại vị trí đắc địa bên bờ sông Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn. Giữa năm 2018, toàn bộ dự án đã hoàn thiện và đưa vào khai thác đúng tiến độ đề ra. Những căn nhà phố được tiêu thụ trong thời ngắn, trung tâm thương mại thu hút bình quân hơn 1.000 lượt khách/ngày…
Ngay sau Vinrroup, đầu năm 2017, Tập đoàn Đèo Cả cũng chính thức đầu tư tại Lạng Sơn với dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn quy mô 12.000 tỷ đồng (dự án thành phần 1). Với sự đồng hành của chính quyền tỉnh, quyết tâm của nhà đầu tư, dự án đã được triển khai đúng tiến độ, ngày 29/9, tuyến đường đã được thông xe kỹ thuật (đoạn Bắc Giang – Chi Lăng) dưới sự chứng kiến, phấn khởi của đông đảo nhân dân Lạng Sơn.
Gần đây nhất UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh Group) về hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, vào ngày 20/10, Tân Hoàng Minh đã có đề xuất tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch và thực hiện đầu các dự án tại Lạng Sơn. Trước đề nghị của doanh nghiệp, phía địa phương đã yêu cầu Sở Xây dựng xem xét và báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 4/11.
Ngoài ra, vào ngày 27/10 Lạng Sơn cũng đã duyệt tiếp nhận kinh phí tài trợ từ CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) về việc lập quy hoạch 1/500 khu đô thị mới nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Mai Pha – Yên Trạch, TP Lạng Sơn. Trước đó vào cuối tháng 8, FLC đã có văn bản đề xuất nghiên cứu, tài trợ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị phía Nam Yên Trạch, huyện Cao Lộc.
Hay như hồi tháng 6 năm nay, một ông lớn khác là CTCP Tập đoàn Sovico đã công bố sẽ tham gia hồi sinh Khách sạn – Sân golf Hoàng Đồng tại TP Lạng Sơn. Dự án Hoàng Đồng được cấp phép lần đầu vào tháng 3/2004, tổng mức đầu tư 61 triệu USD, bị chậm tiến độ suốt 17 năm.
CTCP Kosy – doanh nghiệp được biết đến với loạt dự án BĐS ở Thái Nguyên, Bắc Giang và Lào Cai cũng đã đề xuất tỉnh cho phép lập riêng đồ án điều chỉnh quy hoạch KĐT Hoàng Đồng tại TP Lạng Sơn. Bên cạnh đó CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Phú Hưng Phát cũng đề xuất nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư mới tại thị trấn Hữu Lũng và xã Minh Sơn.
Thời điểm tháng 4 năm nay, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (Mã CK: IDJ) đã được UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép lập quy hoạch dự án KĐT sinh thái Yên Trạch, huyện Cao Trạch. Dự án có diện tích 64 ha, quy mô dân số dự kiến 4.000 – 5.500 người.
Loạt dự án nhà ở, du lịch gần 10.000 tỷ được kêu gọi đầu tư
Để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp, giai đoạn đến năm 2025, Lạng Sơn sẽ mời đầu tư 10 dự án nhà ở, du lịch quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án tại TP Lạng Sơn.
Cụ thể, Tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh tìm chủ cho 4 dự án, gồm KĐT sinh thái Nà Chuông (393 ha, 3.000 tỷ đồng); KĐT Bình Cằm (126 ha, 1.000 tỷ đồng); KĐT sinh thái ven sông Kỳ Cùng (50 ha, 700 tỷ đồng); Khu liên hợp thể thao TP Lạng Sơn (48 ha, 1.112 tỷ đồng).
Tiếp đến là KĐT Hoàng Sơn – Hoàng Đồng tại xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn (100 ha, 1.000 tỷ đồng); Khu liên hợp triển lãm quốc tế và thể thao phía Đông Bắc TP Lạng Sơn (80 ha, 1.500 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Nà Tâm tại TP Lạng Sơn (35 ha, 200 tỷ đồng).
Các dự án còn lại là khu thương mại dịch vụ tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng (24 ha, 174 tỷ đồng); khu thương mại dịch vụ tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc (98 ha, 697 tỷ đồng); khu thương mại dịch vụ tại xã Hợp Thành và Gia Cát, huyện Cao Lộc (53 ha, 377 tỷ đồng).
Ngày 26/8 vừa qua, tỉnh đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch KĐT Green Garden tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn và xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc. Dự án có diện tích gần 38 ha, quy mô dân số khoảng 2.500 người, phía tây giáp Quốc lộ 1A.
Trước đó không lâu, tỉnh phát thông báo tìm chủ đối với dự án Khu dân cư phố Đức Tâm II tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan. Dự án có quy mô 15 ha, tổng mức đầu tư khoảng 146 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, Lạng Sơn đang triển khai cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B với tổng mức đầu tư 988 tỷ đồng và xây dựng đường giao thông Khu phi thuế quan huyện Văn Lãng (255 tỷ đồng).
Đến năm 2025, địa phương này sẽ xây dựng đường nối từ Quốc lộ 1 (xã Yên Trạch) đến trung tâm xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn. Dự án này có bề ngang 13 – 17 m, tổng mức đầu tư 239 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng tuyến đường nối KĐT sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Lẩu Xá thuộc xã Mai Pha, TP Lạng Sơn đến Công viên nghĩa trang TP Lạng Sơn.