Bất động sản Thủ Đức: Bài toán quy hoạch mềm nhưng khó giải quyết
(CL&CS) - Kể từ khi được nâng cấp lên thành phố, bất động sản Thủ Đức đã cao nay càng cao hơn. Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá không chỉ riêng ở TP. Thủ Đức mà nó còn phủ rộng ở cả những khu vực không có tiềm năng phát triển ở tỉ lệ tương đương. Theo các chuyên gia, lo ngại lạm phát đang tác động rất lớn đến hành vi đầu tư và đầu cơ tài sản.
Nhờ vào địa thế và tiềm năng phát triển kinh tế xã hội cùng với việc được nâng cấp lên thành phố thì dòng tiền đầu tư bất động sản đang chảy về Thủ Đức và trở thành 'điểm nóng' tại phía Nam.
Nhiều chuyên gia đánh giá TP. Thủ Đức đang ở giai đoạn “vàng” để đầu tư khi bối cảnh hạ tầng giao thông vẫn đang trên đà phát triển.
Chia sẻ tại Talkshow "Tương lai bất động sản Tp. Thủ Đức", TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho biết trong nhiều năm qua, bất kỳ địa phương nào khi có thông tin quy hoạch lên thành phố cũng kéo theo hiệu ứng tăng giá đất và đôi khi tạo sốt đất trên diện rộng.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp nếu xét về kinh tế vĩ mô thì hai năm qua không thuận lợi cho thị trường bất động sản nhưng từ khi lên thành phố thì giá đất tại một số tuyến đường ở Thủ Đức tăng mạnh. Ông Hiển cũng nêu lên 3 lợi thế phát triển lâu dài của TP Thủ Đức bao gồm vị thế, phân bổ hạ tầng và chiến lược quy hoạch. Trong đó, ông Hiển nhấn mạnh, 3 khu vực cấu thành nên Tp. Thủ Đức là quận 2, quận 9 và huyện Thủ Đức (cũ) đều mang những tiềm năng phát triển lớn về mặt dân số, GDP và cơ sở hạ tầng.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, để TP Thủ Đức có thể phát huy được tiềm năng trong thời gian trung và dài hạn thì cần kết hợp nhuần nhuyễn ba khu vực này lại từ phân khu chức năng, phân khu kết nối để phát huy được thế mạnh của từng khu vực. Ông cho rằng, đây là vấn đề về quy hoạch mềm và đặt ra một bài toán khó cho các cơ quan chức năng.
Nói về hiện tượng tăng giá đất ông nêu ý kiến, việc tăng giá quá nhanh trong một thời gian ngắn sẽ dẫn đến những hệ quả tiềm tàng. Trong đó, việc tăng giá đất lên quá cao tại khu vực này sẽ trở thành rào cản cho nhiều nhà phát triển bất động sản. Họ sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất phát triển dự án về đô thị hay trung tâm thương mại dẫn đến các kế hoạch xây dựng bị chậm tiến độ. Bên cạnh đó, tình trạng giữ đất để “lướt sóng” kiếm lời cũng sẽ tồn tại ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Dưới góc độ quy hoạch, ông Trần Đình Thông - Giám đốc Thiết kế Dự án, Tập đoàn Kiến trúc đa quốc gia Steelman Partners, chỉ ra 6 khu trọng điểm kiến tạo 6 hạt nhân phát triển bền vững của Tp.Thủ Đức gồm Khu trung tâm tài chính Thủ Thiêm; khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; khu công nghệ cao, sản xuất tự động hóa quận 9; khu trung tâm công nghệ giáo dục ở đại học quốc gia; khu trung tâm công nghệ sinh thái ở Tam Đa; khu đô thị xanh, kiểu mẫu tương lai ở Trường Thọ.
Ông Thông cũng khẳng định, TP. Thủ Đức có tiềm năng trở thành một đô thị thông minh, tạo động lực cho các khu đô thị xung quanh như Biên Hòa, Dĩ An, xa hơn nữa là khu Sân bay Quốc tế Long Thành hay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.