Xây dựng đô thị thông minh: Không đợi hoàn thiện thể chế mới triển khai
Tại tọa đàm “Đô thị thông minh - Từ chính sách đến thực thi” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều 15/4, các diễn giả cho rằng, không thể một sớm một chiều có đô thị thông minh (ĐTTM) và không nên đợi đủ tiền, hoàn thiện thể chế, nhân lực mới triển khai mô hình này.
Nhiều thách thức
Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) dựa trên những điều kiện kinh tế- xã hội riêng biệt của từng địa phương. Làm thế nào để các địa phương chọn được mô hình phù hợp với mình, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại là chủ đề được các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… bàn thảo sâu tại tọa đàm.
Theo ông Lê Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Đề án Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án 950) đã được triển khai, song hiện nay vẫn còn những bất cập trong phát triển đô thị. Chúng ta đã nghe nhiều về ĐTTM, thế giới cũng nói nhiều về loại hình này. Tuy vậy, đây vẫn là vấn đề mới của cả thế giới và Việt Nam.
Với Việt Nam, phát triển đô thị hay phát triển ĐTTM, tùy từng đô thị, từng cấp độ, mà có định hướng khác nhau. Bên cạnh đó, trên thế giới không có ĐTTM toàn diện, chỉ có ĐTTM từng phần, từng đô thị chọn thách thức, giải pháp của họ, làm sao phát triển tiềm năng lợi thế. Vì vậy Việt Nam không thể đặt mục tiêu ĐTTM theo hướng tổng hòa tất cả.
Các Đại biểu phát biểu tại buổi Toạ đàm. (Ảnh: ĐBND)
Là vấn đề mới nên việc tiếp cận ĐTTM Việt Nam có những thách thức. Do đó, cần xây dựng thể chế, công cụ. Thực tế cho thấy, dù đã có chủ trương, định hướng nhưng chưa có văn bản pháp luật để quy định, hỗ trợ thúc đẩy nhà đầu tư phát triển ĐTTM, phát triển ĐTTM trên nguyên tắc như thế nào.
"Qua theo dõi của chúng tôi, nhiều đô thị của chúng ta đang chạy theo phong trào. Các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án, nhưng không biết nguồn lực nào để phát triển và không biết bắt đầu từ đâu. Với đô thị Việt Nam, việc lựa chọn vấn đề ưu tiên là cần thiết", ông Trung nói.
Vấn đề dữ liệu cũng là thách thức đối với Việt Nam. Nếu không có dữ liệu đầu vào để phân tích thì sẽ không có ĐTTM. Tuy nhiên, dữ liệu chúng ta thống kê theo hệ thống, theo chu kỳ, báo cáo, bị chậm so với quá trình hoạch định chính sách, thực hiện hỗ trợ ra quyết định... Việt Nam đang bắt đầu triển khai chuyển đổi số để xây dựng dữ liệu, nhưng hiện tại cách thức làm giàu kho dữ liệu đang thiếu hụt. Trong khi đó, dữ liệu liên quan đến an ninh an toàn bảo mật. Nếu thu thập dữ liệu đầy đủ nhưng không có cơ chế, biện pháp kiểm soát, để lộ thì cực kỳ nguy hiểm khi phát triển ĐTTM.
Cũng theo ông Trung, công nghệ là một trong những công cụ giải quyết vấn đề, nhưng cuối cùng tất cả phải xoay quanh con người thông minh, xã hội thông minh, công nghệ hỗ trợ để giải quyết vấn đề đô thị. Chúng ta đầu tư về công nghệ nhưng công nghệ có thể thay đổi, có thể mất nhiều kinh phí nếu lựa chọn sai công nghệ. Thứ hai,
Cũng đề cập đến thách thức khi phát triển ĐTTM, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thách thức lớn nhất là hiểu thế nào cho đúng về loại hình này. Bởi khi hiểu đúng thì Nhà nước, người dân và doanh nghiệp mới biết đâu là vấn đề quan trọng và cần làm những gì.
"ĐTTM thực chất là khái niệm "động", không có điểm đến, không có mô hình chuẩn áp dụng cho tất cả các thành phố. Nhưng nó có một số đặc điểm chung và cách tiếp cận chung, đó là ĐTTM sẽ giải quyết các vấn đề về môi trường, giao thông… một cách tốt nhất, phù hợp nhất, mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân, mọi nhu cầu, dịch vụ được tiếp cận dễ dàng", ông Hiếu cho biết.
Cần giải pháp quản trị thông minh
Theo ông Phan Đức Hiếu, ĐTTM, thành phố thông minh sẽ có đặc điểm chung là hạ tầng, công trình, dịch vụ đều được kết nối thuận tiện hơn cho người dân. Quản trị xã hội cũng sẽ thông minh hơn, các dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu người dân phải tốt hơn. Như vậy, bản chất của ĐTTM là phải có giải pháp quản trị thông minh để phục vụ người dân được tốt hơn và tốt nhất.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Minh Đức - đại biểu HĐND TP Hà Nội, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị nhìn nhận ở 2 khía cạnh. Đó là quản trị xã hội, là công cụ công nghệ thông tin để vận hành chính quyền đô thị; và khía xạnh xã hội dân sinh. Chính công cụ thông minh sẽ tạo ra một đô thị thông minh, trong đó có những công dân thông minh. Giữa hai công cụ quản trị xã hội và dành cho người dân, doanh nghiệp phải đi bằng cân bằng cả hai bên, không được thiên lệch một bên nào.
Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, câu chuyện ĐTTM là con đường dài, không thể xây dựng trong một sớm một chiều. (Ảnh: ĐBND)
"Để tiến tới một ĐTTM tích hợp rất nhiều vấn đề nhưng rõ ràng ở đây, vai trò của Chính phủ để tạo ra hạ tầng về mặt pháp lý. Ngoài ra, cần phải tạo ra một nguồn lực về cả mặt tài chính lẫn con người. Câu chuyện ĐTTM là một con đường dài, vì vậy không nên đợi phải hoàn thiện thể chế, đợi đủ tiền, con người... mới triển khai. Tôi tin rằng, với một xã hội trẻ và năng động như ở Việt Nam, việc triển khai mô hình ĐTTM rất tiềm năng", ông Đức đánh giá.
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn cho rằng, cần nhìn nhận việc phát triển ĐTTM làm sao để tạo thành một phong trào, hay tạo thành một hiện thực của xã hội là một câu hỏi mà doanh nghiệp và nhất là nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như ông luôn trăn trở.
"Là một doanh nghiệp, tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách của Bộ Xây dựng cũng như của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, tại Việt Nam chúng ta, muốn xây dựng Hà Nội cũng như các thành phố khác thành một ĐTTM không phải chuyện một sớm một chiều. Để người dân có một cuộc sống tốt hơn thì chúng ta buộc phải dựng tốt cơ sở hạ tầng rồi mới tính tới phát triển ĐTTM", ông Bắc nói.
Ông Bắc kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoạch định ra những tiêu điểm để hình thành đô thị mới và ĐTTM.
Ông cũng mong muốn chính sách của Nhà nước sẽ được đưa vào cụ thể để doanh nghiệp có thể áp dụng được. Và khi doanh nghiệp áp dụng thì doanh nghiệp đó phải có tiềm lực tài chính để loại bỏ bớt các doanh nghiệp "ăn theo".
Nguyệt Minh