Hậu đấu giá đất Thủ Thiêm, bất động sản Thủ Đức vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt ?

Bất chấp thực tế các ông lớn bỏ cọc sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, thị trường BĐS TP. Thủ Đức vẫn tiếp tục ‘ăn theo’ khi mặt bằng giá đất khu vực này và lân cận không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mới đây một dự án mới tại TP.Thủ Đức vừa công bố chào bán với mức giá lên đến 38,1 tỷ đồng/căn nhà phố thương mại diện tích 95m2 (chưa VAT), tính bình quân mỗi m2 đất tại đây có giá lên gần 400 triệu đồng. Đáng nói là dự án mới này được triển khai trên khu vực vốn không phải là vùng trung tâm Thủ Thiêm. Động thái này tiếp tục đẩy mặt bằng giá nhà đất TP. Thủ Đức leo lên một tầm cao mới.

Bên cạnh đó, dù việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua gây xôn xao không nhỏ cho thị trường nhưng thực tế lại không ảnh hưởng mấy đến mặt bằng giá bán hiện tại cũng của TP.Thủ Đức. Tìm hiểu từ Batdongsan.com.vn, giá nhà đất tại TP.Thủ Đức vẫn âm thầm tăng theo vụ đấu giá và không hề đi xuống khi phi vụ này bị lật kèo. Cụ thể, giá đất tại khu Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Cát Lái và Đảo Kim Cương đều neo ở mức cao, không giảm so với thời điểm đấu giá diễn ra. Giá đất Khu Thủ Thiêm và Đảo Kim Cương hiện rơi vào tầm 250-350 triệu đồng/m2. Khu Cát Lái, Rạch Chiếc có giá trung bình từ 180-250 triệu đồng/m2. Tại quận 9 cũ, đất nền có giá từ 65-120 triệu đồng/m2, tăng thêm 8-10 triệu đồng/m2. Cá biệt, mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp đã được rao bán 200 triệu đồng/m2.

Giá đất TP. Thủ Đức vẫn tiếp tục đà tăng “ăn theo” vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.  
Giá đất TP. Thủ Đức vẫn tiếp tục đà tăng “ăn theo” vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.  

Nếu trước Tết Nguyên đán, giá nhà đất mặt tiền các trục đường thuộc phường An Phú – An Khánh như đường Song Hành, Trần Não, Vành Đai Tây, Nguyễn Hoàng, Lương Định Của có mức giá giao dịch trung bình 200 triệu đồng/m2, thì nay tăng lên 240-300 triệu đồng/m2. Một số khu vực như đường Đỗ Xuân Hợp, đường Liên Phường, có giá giao dịch tăng từ 140-160 triệu đồng/m2 lên 150-200 triệu đồng/m2. Sự biến động tăng giá này đã bắt đầu rục rịch từ phiên đấu giá đất Thủ Thiêm cuối năm 2021.

Chia sẻ về hiện tượng “té nước theo mưa” sau đấu giá đất Thủ Thiêm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh nhận định, không chỉ có doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc để trục lợi mà nhiều doanh nghiệp khác cũng tìm cách tối đa hóa lợi nhuận. Ngay sau các cuộc đấu giá đất, đã xuất hiện các hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá ảo để thổi giá, đẩy giá đất, giá nhà tại nhiều địa phương, hoặc để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu. Trong khi đó, giá nhà đất tại nhiều khu vực đã bị đẩy lên mức giá rất cao. Ông Châu ví dụ như một dự án nhà ở tại quận 2 cũ đang chào bán nhà phố có diện tích đất khoảng 95 m2 gồm trệt và 4 lầu với giá bán lên đến khoảng 38,1 tỷ đồng, trong đó đơn giá đất có thể lên đến khoảng 350 triệu đồng/m2.

Như vậy, không chỉ có doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc để trục lợi mà nhiều doanh nghiệp khác cũng tìm cách tối đa hóa lợi nhuận sau các cuộc đấu giá trên đây. Thị trường BĐS vẫn đang trong tình trạng có dấu hiệu bị đầu cơ, giá đất, giá nhà, giá căn hộ đang bị đẩy lên rất cao. Theo hiệp hội, việc doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc” sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Minh Đức

Theo KD&PT