Bất động sản Tuyên Quang ‘nóng’ lên trước ngày sáp nhập tỉnh

Thị trường bất động sản tỉnh Tuyên Quang đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông và các dự án đô thị quy mô lớn.

Theo Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025, Tuyên Quang - Hà Giang sẽ sáp nhập làm một, lấy tên tỉnh mới là Tuyên Quang. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Tuyên Quang hiện nay.

Trước thềm sáp nhập, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đang nóng lên từng ngày.

Bất động sản Tuyên Quang ‘nóng’ lên trước ngày sáp nhập tỉnh - Ảnh 1

Hiện, Tuyên Quang đang triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, trong đó nổi bật là: Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đã thông xe vào cuối năm 2023, kết nối trực tiếp với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang đến Hà Nội và các tỉnh lân cận; Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được khẩn trương xây dựng, hứa hẹn mở rộng mạng lưới giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư vào các dự án cầu lớn và đường trục đô thị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Bất động sản Tuyên Quang ‘nóng’ lên trước ngày sáp nhập tỉnh - Ảnh 2

Về sự phát triển đô thị và khu dân cư, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Tuyên Quang đã kêu gọi đầu tư hơn 30 dự án khu đô thị, khu dân cư tại các huyện, thành phố, trong đó các dự án khu đô thị chiếm khoảng 30%.

Một số dự án đáng chú ý là Khu đô thị Danko Center (Kim Phú) với quy mô gần 43ha; Khu đô thị nghỉ dưỡng Mỹ Lâm với tổng vốn đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, dự án này đang được tỉnh Tuyên Quang kêu gọi đầu tư...

Với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng và các dự án đô thị, đặc biệt là thông tin sáp nhập, Tuyên Quang đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản. Nhiều ông lớn đã đổ bộ vào thị trường bất động sản Tuyên Quang, như Vingroup, Sungroup, Danko, Kosy,.... Các chủ đầu tư này đã triển khai xây dựng các công trình, dự án quy mô lớn, các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao…

Bất động sản Tuyên Quang ‘nóng’ lên trước ngày sáp nhập tỉnh - Ảnh 3

Giá bất động sản ở tại tỉnh Tuyên Quang vốn có xu hướng tăng trưởng ổn định những năm trước đây.

Cụ thể: Nhà phố, biệt thự: Tại trung tâm thành phố Tuyên Quang, giá nhà phố dao động từ 2,5 – 4 tỷ đồng cho căn có diện tích từ 80 – 120 m².

Nhà liền kề, shophouse: Ở các khu đô thị mới như Việt Mỹ, giá nhà liền kề và shophouse có thể từ 1,5 – 2,5 tỷ đồng tùy thuộc vào vị trí và tiện ích đi kèm.

Nhà ở xã hội: Đối với nhà ở xã hội, giá bán thường dao động từ 300 – 600 triệu đồng cho căn hộ có diện tích từ 30 – 60 m², tùy thuộc vào vị trí và chủ đầu tư.

Gần đây, sau thông tin sáp nhập Tuyên Quang với Hà Giang, giá bất động sản ở Tuyên Quang bất ngờ tăng nóng. Ví dụ, đất nội thành ở ngõ, ngách cũng không dưới 1 tỷ tùy vào diện tích, vị trí. Với những vị trí thuận lợi như Khu đô thị Thịnh Hưng, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đang rao khoảng 3,6 tỷ đồng/lô với diện tích 5 x 18 m, tăng gần 1 tỷ đồng so với cuối năm 2024; khu đô thị Ngọc Kim, phường Hưng Thành cũng đẩy lên 2,7 tỷ đồng/lô 5 x 20 m, tăng khoảng 700 triệu so với thời điểm 2 tháng trước đây.

Bất động sản Tuyên Quang ‘nóng’ lên trước ngày sáp nhập tỉnh - Ảnh 4

Hay như mảnh đất tại tổ 19 phường Phan Thiết. Cách đây khoảng 3 tháng ô đất này được chủ sử dụng rao bán 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng giá đã lên đến 8 tỷ đồng.

Có những mảnh đất bị giới đầu cơ, môi giới đã “thổi” giá đất lên rất cao, đã có khu vực tăng 20% - 30%, thậm chí là đến 50% chỉ trong vòng vài tuần lễ.

Đất nền Tuyên Quang không thiếu, hiện tại rất nhiều các khu đô thị hiện đại đang được triển khai như: Khu đô thị Danko Kim Phú, Khu đô thị mới bên bờ sông Lô… thừa khả năng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, việc đổ xô, chạy theo phong trào mua đất tại các khu vực do giới cò mồi đồn thổi trong thời điểm hiện nay chỉ làm nhiễu loạn thị trường, nhiều khả năng còn dẫn đến rủi ro lớn.

Hà Thạch

Theo Vietnamfinance