Bất ngờ với khoản lỗ 170 tỷ đồng của Đô thị Kinh Bắc (KBC), nhiều năm liên tiếp “vỡ” kế hoạch kinh doanh

Việc không đạt mục tiêu kinh doanh dường như đã trở thành điều quen thuộc với Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm. Từ năm 2020 đến nay, công ty nhiều lần đặt các mục tiêu được cho là “không tưởng” trong các kỳ họp đại hội cổ đông, sau đó liên tiếp khiến cổ đông "vỡ mộng".

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Bất ngờ khoản lỗ 170 tỷ đồng

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu đạt 781,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng cũng giảm tương ứng, giúp lãi gộp đạt 385 tỷ đồng, giữ nguyên mức so với cùng kỳ.

Kết quả, doanh nghiệp đạt lãi thuần 334 tỷ đồng trong quý cuối năm 2024, cao hơn mức 213 tỷ cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty lại ghi nhận khoản lỗ khác hơn 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là lãi 25 tỷ, khiến lãi sau thuế chỉ còn 62 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ. Công ty giải thích rằng việc lãi giảm do chưa kịp ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng đã ký, dù đã có thu nhập lớn từ các công ty liên kết.

KBC bất ngờ ghi nhận khoản lỗ 170 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 26 tỷ đồng.  
KBC bất ngờ ghi nhận khoản lỗ 170 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 26 tỷ đồng.  

Lũy kế cả năm 2024, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần 2.775,8 tỷ đồng, giảm 51% so với năm 2023. Lãi sau thuế đạt 459,9 tỷ đồng, giảm tới 80%.

Trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.000 tỷ đồng, nhưng chỉ hoàn thành lần lượt 31% và 12% kế hoạch.

“Bài ca vỡ kế hoạch”

Việc Kinh Bắc lỡ hẹn với kế hoạch kinh doanh không còn là điều quá bất ngờ khi trong những năm qua, doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm liên tục “vỡ” kế hoạch do luôn đặt mục tiêu cao ngất ngưởng.

Cụ thể, năm 2020, Kinh Bắc đặt mục doanh thu 3.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 816 tỷ đồng, tuy nhiên, công ty chỉ thực hiện được lần lượt 2.150 tỷ và 320 tỷ, tương ứng tỷ lệ 67% và 40%

Sang năm 2021, công ty nâng mục tiêu doanh thu nâng lên 6.600 tỷ đồng, lãi 2.000 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ đạt lần lượt 64% và 67%.

Dù vậy, sang năm 2022, Kinh Bắc không từ bỏ tham vọng, tiếp tục đặt kế hoạch "trên mây" với doanh thu 9.800 tỷ đồng và lãi 4.500 tỷ đồng, cuối cùng chỉ hoàn thành 10% doanh thu và 30% lãi. Năm 2023, dù được xem là năm thành công nhất của Kinh Bắc với lãi sau thuế đạt kỷ lục 2.245 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn chỉ hoàn thành 55% mục tiêu.

Năm 2024, công ty giữ nguyên kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng và lãi 4.000 tỷ đồng, nhưng kết quả chỉ đem về 2.775 tỷ doanh thu và 460 tỷ lãi, tương ứng 31% và 12%.

Vay 1.000 tỷ đồng từ công ty con

Việc Kinh Bắc (KBC) liên tục đặt mục tiêu kinh doanh quá tham vọng nhưng rồi vỡ kế hoạch không khỏi khiến cổ đông mất dần niềm tin.

Bước sang năm 2025, Kinh Bắc kỳ vọng ở nhiều dự án lớn để khôi phục lại sự tin tưởng của nhà đầu tư. Trước đó, vào tháng 9/2024, Kinh Bắc cũng đã hợp tác với Tập đoàn Trump Organization và CTCP Dịch vụ Khách sạn Hưng Yên để phát triển tổ hợp dự án khách sạn 5 sao, sân golf, khu dân cư cao cấp với tổng vốn đầu tư ước tính 1,5 tỷ USD.

Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch phát hành 250 triệu cổ phiếu KBC, tương ứng tỷ lệ 32,57% trên lượng cổ phiếu đang lưu hành để huy động 6.250 tỷ đồng. Trong đó 6.090 tỷ đồng sẽ được sử dụng để cơ cấu nợ, giải ngân trong năm 2025, còn 160 tỷ đồng dành cho bổ sung vốn lưu động.

Nhằm bổ sung thêm dòng tiền, vào cuối năm 2024, Kinh Bắc đã thông qua việc vay tín chấp 1.000 tỷ đồng từ công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Đô thị Tràng Cát (TCC).

Kế hoạch vay tín chấp 1.000 tỷ đồng từ công ty con của Kinh Bắc.  
Kế hoạch vay tín chấp 1.000 tỷ đồng từ công ty con của Kinh Bắc.  

KBC cho biết mục đích vay nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời hạn khoản vay tối đa là 5 năm kể từ ngày nhận vốn vay.

Khoản vay có thể giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay vốn cụ thể cho đến khi giải ngân hết hạn mức. Lãi suất cho vay theo thỏa thuận, tiền lãi thanh toán một lần khi tất toán các khoản vay.

Trước đó vào ngày 14/12, HĐQT KBC thông qua việc sử dụng toàn bộ phần vốn góp 12,681 tỷ đồng tại TCC (chiếm 100% vốn TCC) làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ các khoản vay liên quan đến dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát của TCC tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB). KBC cũng thông qua sử dụng 15 triệu cổ phiếu CTCP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD) thuộc sở hữu của KBC làm tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ trả nợ của TCC tại VPB.

Cũng theo thông tin trên Báo cáo tài chính của Kinh Bắc, về quy mô tài sản tài, tính tới ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Kinh Bắc tăng 33,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 11.331,2 tỷ đồng lên 44.765,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 13.867 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 11.547,1 tỷ đồng, chiếm 25,8% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 8.424 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 4.859 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Ngoài ra, về phần nguồn vốn, tính tới cuối năm 2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Kinh Bắc tăng 176,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 6.453,3 tỷ đồng lên 10.112,6 tỷ đồng và bằng 48,9% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ là 3.659,3 tỷ đồng và bằng 18,1% tổng vốn chủ sở hữu).

Hà Thu

Theo Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam