BCM tụt giá mạnh, Becamex IDC giảm phát hành 150 triệu cổ phiếu
Chủ tịch BCM cho hay việc sáp nhập Bình Dương vào TP. HCM là một thử thách không nhỏ, nhưng cũng đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp và cộng đồng. Trong giai đoạn 2025-2030, BCM sẽ tập trung vào việc nắm bắt cơ hội tại các khu vực trọng điểm đồng thời đối diện với những thách thức từ sự thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế và nhu cầu vốn cho các dự án chiến lược.
Tại ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Becamex (Becamex IDC, HoSE: BCM) Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, rằng tình hình hiện tại đang chứng kiến những thay đổi mang tính quyết định, đặc biệt là kế hoạch sáp nhập một số tỉnh, trong đó có Bình Dương với TP.HCM, một động thái được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.
Theo ông Hùng, mặc dù kế hoạch sáp nhập mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho BCM. Công ty hiện đang đối mặt với nhiều tồn tại cần được khắc phục để thích nghi với cục diện mới. "Chúng tôi đang đứng trước một giai đoạn bận rộn với nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo", Chủ tịch BCM cho biết.

Trong năm 2025, lãnh đạo BCM cho biết công ty sẽ ưu tiên nghiên cứu và khai thác các cơ hội tại TP. HCM và Bình Dương, hai khu vực được xem là hạt nhân trong chiến lược phát triển kinh tế hai con số. Mặc dù TP. HCM đang đối mặt với không ít thách thức trong việc duy trì vai trò trung tâm kinh tế mở rộng, BCM vẫn cho rằng việc hình thành vùng đô thị tích hợp sẽ mang lại cơ hội phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và người dân.
Tại đại hội, ông Phạm Ngọc Thuận, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Becamex IDC cũng đã chia sẻ thêm về nhu cầu vốn lớn để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược do Chính phủ và tỉnh Bình Dương giao. Tuy nhiên, với vốn điều lệ hiện tại chỉ đạt 10.350 tỷ đồng, công ty đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nguồn lực tài chính, đặc biệt khi đã sử dụng gần hết hạn mức vay 15% cho từng dự án theo quy định.
Để đối phó với tình trạng này, BCM dự kiến phát hành 150 triệu cổ phiếu mới trong giai đoạn đầu thông qua đấu giá công khai. Mức giá khởi điểm được đề xuất không dưới 50.000 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá tối thiểu mà công ty cho rằng phản ánh đúng giá trị thương hiệu của mình. Nếu đấu giá thành công, số tiền thu về dự kiến sẽ đạt ít nhất 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng vốn điều lệ hiệu quả, mức giá bán thực tế kỳ vọng sẽ cao hơn, qua đó có thể nâng tổng số tiền huy động lên khoảng 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Thuận thừa nhận rằng số vốn này chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của các dự án mà công ty dự định triển khai trong giai đoạn 2025-2030. Trong giai đoạn này, Becamex IDC đặt mục tiêu thực hiện từ 5 đến 6 dự án khu công nghiệp và đô thị quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Becamex cho biết, kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu đã bị tạm hoãn do ảnh hưởng của thông tin về thuế quan từ Mỹ, khiến giá cổ phiếu của công ty giảm mạnh. Do đó, BCM quyết định điều chỉnh kế hoạch và phát hành 150 triệu cổ phiếu thay vì 300 triệu như ban đầu, nhằm giảm áp lực cho thị trường và bảo vệ lợi ích của cổ đông.
Ngoài ra, ông Thuận cũng thừa nhận rằng nhu cầu vốn cho các dự án trong tương lai là rất lớn. Vì vậy, công ty đang tích cực tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn lớn hoặc doanh nghiệp tư nhân để cùng phát triển các dự án trọng điểm.
Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã đề cập đến kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và các tập đoàn lớn để triển khai các dự án chiến lược, đặc biệt tại các khu vực liên kết như TP. HCM. Ông nhấn mạnh rằng trong bối cảnh khó khăn do thuế quan, biến động toàn cầu và yêu cầu khắt khe về môi trường, các doanh nghiệp cần tìm cách chuyển đổi và thích nghi, như cách Trung Quốc từng vượt qua các giai đoạn khó khăn.