BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu: Cơ hội lớn từ đòn bẩy hạ tầng
Là địa danh nghỉ dưỡng nổi tiếng, thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu sẵn sàng vươn xa khi làn sóng hạ tầng đổ bộ vào nơi đây.
Mô hình chuỗi đô thị ven biển giúp thoát bẫy du lịch ngắn ngày
Có lợi thế hơn 42km đường ven biển đẹp và chỉ cách TP. HCM tầm 100km, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm nghỉ dưỡng quen thuộc của người dân Đông Nam bộ. Vào cuối tuần, lễ, Tết, công suất phòng của khối lưu trú luôn đạt trên 95%.
Nhưng ngược dòng về khoảng mười năm trước, theo đánh giá của nhiều du khách, số lượng phòng khách sạn và các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Bà Rịa – Vũng Tàu không nhiều như một số thành phố biển khác. Mặt khác, các cơ sở lưu trú đa số thiếu tiện ích, chỉ đủ sức giữ chân du khách trong ngắn hạn.
Nhiều du khách đến từ TP. HCM cho hay, ngoài bãi biển riêng và một số tiện ích nhỏ đi kèm, các khách sạn 4-5 sao ở đây chưa có sản phẩm đặc trưng để tạo dấu ấn, không như các resort ở Phú Quốc hay Đà Nẵng có thêm nhiều lớp học, sự kiện và hoạt động ngoài trời cho khách lưu trú. Với những nhóm khách trẻ, địa phương này cũng không có nhiều điểm “check-in” mới.
Để thoát “bẫy du lịch ngắn ngày”, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ là điểm đến du lịch nổi tiếng trên bản đồ khu vực và thế giới, có hệ thống chuỗi đô thị du lịch ven biển sôi động với các loại hình sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo.
Theo đó, Bà Rịa – Vũng Tàu định hướng phát triển du lịch theo trục Đông Bắc – Tây Nam, từ ranh giới với tỉnh Bình Thuận đến TP. Vũng Tàu; theo trục Tây Bắc – Đông Nam từ dọc Quốc lộ 55 và phía Đông Nam Quốc lộ 51 đến khu vực ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 thuộc địa giới hành chính: TP. Vũng Tàu, các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển của ngành kinh tế trụ cột, tỉnh đã quy hoạch, xây dựng không gian du lịch với 5 cụm là: trung tâm du lịch TP. Vũng Tàu và phụ cận, cụm du lịch Long Hải - Phước Hải, cụm du lịch Núi Dinh - Thị Vải, cụm du lịch Bình Châu - Hồ Tràm và du lịch Côn Đảo.
Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2022, tỉnh nằm trong nhóm đầu cả nước về tốc độ phục hồi du lịch nội địa với hơn 12,6 triệu lượt khách, tăng 282% so với năm 2021. Tổng doanh thu ước hơn 13.000 tỷ đồng.
Cơ hội rộng mở
Song song với nhiều tuyến giao thông huyết mạch hiện hữu như Quốc lộ 51, Quốc lộ 56, Quốc lộ 55, các tuyến đường liên tỉnh, đường ven biển... tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục “thúc” phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng. Mới đây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (phân đoạn 3), cầu Phước An, đường ĐT 994... đã được địa phương khởi công đồng loạt.
Theo đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc hoàn thiện về hạ tầng giao thông sẽ giúp tỉnh phát huy tối đa các tiềm năng kinh tế của tỉnh như du lịch, cảng biển, công nghiệp... đồng thời cũng sẽ giúp tỉnh thu hút được nhiều hơn nữa đầu tư trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, là một trong sáu tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ -vùng có GRDP chiếm tỷ trọng 35% của cả nước hiện rất được chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu đang rất kỳ vọng đón chờ những làn sóng đầu tư lớn.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 342.000 tỷ đồng và đến năm 2030 là khoảng 396.500 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa. Trong đó, những dự án nghìn tỷ như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, hạ tầng kết nối cảng Cái Mép – Thị Vải hay đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu… đều có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bắt nhịp sóng đầu tư hạ tầng, những năm gần đây, nhiều lĩnh vực vốn là thế mạnh của Bà Rịa – Vũng Tàu đã có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đã phát huy vai trò là cảng cửa ngõ quan trọng của cả vùng Đông Nam Bộ.
Ngoài 69 dự án cảng đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động (hiện có 50 dự án cảng với công suất 141,5 triệu tấn/năm), tỉnh còn thu hút được tổng cộng 457 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31,433 tỷ USD. Trong đó, khu công nghiệp là 284 dự án, với tổng vốn đầu tư 13,738 tỷ USD; ngoài khu công nghiệp là 173 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17,695 tỷ USD.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho hay: “Hướng phát triển của Bà Rịa – Vũng Tàu tới đây sẽ là tập trung đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị theo hình thức mới. Chính phủ cũng đã quyết định cho địa phương tiến hành lập các đề án này. Như vậy, khi các nhà đầu tư đến đây thì tỉnh cũng đã sẵn sàng về hạ tầng, về quy hoạch để phục vụ nhà đầu tư”.
Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng cũng như chính sách mời gọi đầu tư của tỉnh đã thúc các “đại bàng” địa ốc đổ vốn, triển khai nhiều dự án tỷ USD. Chẳng hạn như, Tập đoàn dầu khí lớn như Kogas (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư 2 tỷ USD hay như Tập đoàn Quantum (Mỹ) mong muốn đầu tư nhiều dự án, với tổng mức vốn hơn 5 tỷ USD. Ngoài các tập đoàn trên, từ năm 2022 đến nay có hơn 10 nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án có mức vốn từ 1 - 2 tỷ USD trên địa bàn.
Song song đó, nhiều “ông lớn” bất động sản trong nước cũng tập trung khai thác các phân khúc bất động sản tiềm năng tại Bà Rịa – Vũng Tàu như: bất động sản lưu trú nghỉ dưỡng dài hạn kết hợp hội nghị; bất động sản du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe; bất động sản gắn liền các dịch vụ vui chơi giải trí, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa - lịch sử, sinh thái, cộng đồng...
Chẳng hạn, dự án LaVida Residences có quy mô 34,7ha do Công ty Cổ phần bất động sản Đông Dương làm chủ đầu tư được quy hoạch bài bàn với đầy đủ sản phẩm; Tập đoàn Charm Group với dự án Charm Resort Hồ Tràm có diện tích 40ha là dự án bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu chăm sóc sức khỏe tại Bà Rịa - Vũng Tàu; hay Novaworld Hồ Tràm do Novaland làm chủ đầu tư là tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí cao cấp được triển khai với quy mô 1000ha trải dài từ biển Lộc An tới Bình Châu…
Có thể nói rằng, nhờ có đòn bẩy lớn từ chú trọng đầu tư hạ tầng, Bà Rịa – Vũng Tàu đang dần “hóa thân” từ địa phương vốn thuần doanh thu từ dầu khí và du lịch nổi lên thành địa danh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là chuyển biến cộng hưởng với các lĩnh vực khác từ thị trường bất động sản.
Những lợi thế về hạ tầng, khu công nghiệp, du lịch và bất động sản đã mở ra cơ hội lớn để Bà Rịa – Vũng Tàu khởi sắc và phát triển, góp phần giữ vững đà tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.