BĐS công nghiệp Miền Bắc: 'Vị thế cánh tay nối dài của công xưởng thế giới'
Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16.7 tỷ USD trong năm 2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong số dự án đầu tư lớn năm 2023 đổ về khu vực phía Bắc có nhiều dự án quy mô lớn tỷ USD như: Dự án của Thermal Power Plant với vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Thái Bình; dự án 1.5 tỷ USD của Jinko Solar Hải Hà tại Quảng Ninh; dự án của LG Innotek Việt Nam tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD tại Hải Phòng và Nhà máy bán dẫn của Amkor Technology đầu tư với số vốn 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh.
Trong nghiên cứu của Cushman & Wakefield cho thấy, thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc đã trở nên vô cùng hấp dẫn và sẵn sàng tăng tốc đón dòng vốn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo của chu kỳ phát triển. Sự tăng trưởng của miền Bắc là do khả năng tiếp cận tuyệt vời thông qua mạng lưới hạ tầng của 7 tuyến đường cao tốc, và tiếp tục triển khai hệ thống gồm 7 tuyến đường vành đai; vị trí địa lý của khu vực thuận lợi để đón nhận làn sóng mở rộng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn, như một phần trong chiến lược Trung Quốc + 1 của họ.
Đối với thị trường bất động sản công nghiệp, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, đánh giá, khu vực miền Bắc đã duy trì vị thế là cánh tay nối dài của công xưởng thế giới trong hàng thập kỷ qua. Với sự hỗ trợ của hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng và phát triển dọc theo hành lang từ Tây sang Đông. Tổng nguồn cung đất công nghiệp phía Bắc tính đến quý I/2024 đạt 14.600ha từ 71 dự án.
"Chúng tôi kỳ vọng trong 10 năm tiếp theo, thị trường sẽ có thêm 69 dự án mới, nâng nguồn cung lên ít nhất 30.000ha", bà Trang nói.
Về phía nhu cầu, Cushman & Wakefield cũng ghi nhận hai xu hướng rõ rệt đang diễn ra. Thứ nhất, hoạt động sản xuất hàng hóa cơ bản tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng mở rộng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn, như một phần trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng các doanh nghiệp toàn cầu. Thứ hai, ngành sản xuất miền Bắc đang tiến lên chuỗi giá trị cao hơn sau khi đón nhận lượng đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực bán dẫn, điện tử và công nghệ cao.
Tương tự, thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn mặc dù chỉ mới phát triển từ năm 2018 nhưng lại cho thấy khả năng tăng tốc nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng gần 4 lần vào năm 2023. Tổng nguồn cung toàn miền Bắc tính đến quý I/2024 đạt 6 triệu m2 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 17 triệu m2 trong thập kỷ tới.
Ghi nhận tại miền Bắc, bà Trang cho biết đã và đang có nhiều dự án công nghiệp xanh và số lượng các dự án xanh tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, Việt Nam đang có khoảng 150 dự án nhận được chứng chỉ LEED, thì đã có tới 67% dự án trong đó là loại hình thuộc bất động sản công nghiệp, nhưng chủ yếu là loại hình nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn và nhà máy sản xuất. Tuy nhiên đối với quy mô toàn khu công nghiệp, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một bộ quy chuẩn cụ thể, rõ ràng cho loại hình khu công nghiệp xanh.