BĐS khó khăn, DN sắt thép và xi măng đồng loạt báo lỗ trăm tỷ

Tính đến cuối tháng 1/2025, đã có hơn 80 doanh nghiệp báo lỗ, lên đến hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng, xi măng.

Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn biến động khó lường đối với nền kinh tế Việt Nam, khi có nhiều doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực trụ cột như bất động sản, vật liệu xây dựng... đồng loạt báo lỗ nặng.

Năm 2024, ngành vật liệu xây dựng đối mặt với giai đoạn khó khăn. Chi phí sản xuất tăng cao, nhu cầu sụt giảm, giá nguyên liệu đầu vào như than, điện, vận chuyển không ngừng leo thang, khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp.

Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, năm 2023 cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản bị vướng mắc thủ tục pháp lý. Nguồn cung bất động sản ra thị trường nhỏ giọt kéo theo hàng loạt ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu xây dựng, xây dựng gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp lớn đã báo lỗ hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

Loạt ông lớn BĐS chưa thoát vòng khó khăn

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland - NVL) là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam, với tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 vào khoảng 200.000 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland - NVL) là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam, với tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 vào khoảng 200.000 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, doanh thu Novaland tăng 90% lên 9.073 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần từ bán hàng đạt gần 8.356 tỷ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuần từ cung cấp dịch vụ đạt 717 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2024, công ty bị lỗ sau thuế 4.351 tỷ đồng và lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6.412 tỷ đồng. Lần đầu công ty báo lỗ kể từ khi niêm yết. Doanh nghiệp lý giải phần lớn do trích lập dự phòng cho kỳ báo cáo bán niên 2024 theo quan điểm của đơn vị kiểm toán.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam. Trong năm 2024, công ty không ghi nhận khoản lỗ nhưng lại gặp vấn đề khác.

Cụ thể, lũy kế cả năm 2024, KDH đạt 3.279 tỷ đồng doanh thu thuần và 810 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng trưởng 57% và 13% so với năm 2023. Với kết quả này, Khang Điền thực hiện được 84% kế hoạch doanh thu và vượt 2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh của KDH trong năm 2024 ghi nhận mức âm kỷ lục hơn 4.252 tỷ đồng. Điều này đặt ra thách thức lớn cho công ty trong việc quản lý tài chính và duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong bối cảnh thị trường bất động sản biến động.

Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House - TDH) là doanh nghiệp bất động sản hơn 30 năm tuổi của Việt Nam. Báo cáo tài chính quý 4/2024 của Thuduc House có doanh thu thuần đạt hơn 12 tỷ đồng, sụt giảm 65% so với cùng kỳ 2023. Dù vậy, chi phí giá vốn giảm mạnh hơn mức giảm doanh thu giúp lợi nhuận gộp đạt gần 9 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.

Luỹ kế cả năm 2024 , TDH ghi nhận doanh thu thuần gần 49 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2023. TDH báo lỗ sau thuế năm 2024 hơn 288 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 63 tỷ đồng cùng kỳ.

Đáng chú ý, công ty không ghi nhận bất kỳ khoản thu nào từ bán hàng bất động sản, doanh thu thuần trong năm 2024 chỉ đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ và cho thuê. Khoản chi phí quản lý tăng mạnh gấp gần 7 lần cùng kỳ, chủ yếu từ khấu hao, hao mòn, dự phòng cũng khiến lợi nhuận bị bào mòn.

BĐS khó khăn, DN sắt thép và xi măng đồng loạt báo lỗ trăm tỷ - Ảnh 1

Xi măng, sắt thép báo lỗ nặng

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, có tuổi đời 45 năm. Vicem quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm. Hệ sinh thái nổi tiếng với các thương hiệu xi măng Hà Tiên, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hoàng Mai...

Đây cũng là đơn vị duy nhất trong số 6 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng kinh doanh thua lỗ trong năm 2024. Cụ thể, lợi nhuận công ty mẹ của Vicem âm 236,8 tỷ đồng và lỗ hợp nhất 1.400 tỷ do thị trường kém khả quan. Dù vậy, kết quả này vẫn lần lượt thấp hơn kế hoạch của Vicem 59,6 tỷ và 177,5 tỷ đồng.

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh. Các dự án chậm triển khai phải giãn hoặc hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thực sự cao; tình trạng tăng giá vật liệu cát, đá, sỏi ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng tại nhiều khu vực, làm cho nhu cầu sử dụng xi măng trong nước sụt giảm mạnh.

BĐS khó khăn, DN sắt thép và xi măng đồng loạt báo lỗ trăm tỷ - Ảnh 2

Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) là một trong những công ty con của Vicem, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng. Tính chung cả năm 2024, dù doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng nhẹ so với năm 2023, lên 2.609,6 tỷ đồng, nhưng công ty lỗ ròng tới 198 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 96 tỷ đồng cùng kỳ. Khoản lỗ năm 2024 cũng nâng lỗ luỹ kế của Vicem Bút Sơn lên xấp xỉ 288 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tiếp tục duy trì ở mức cao. Những yếu tố khó khăn đã khiến nhiều công ty sản xuất xi măng cạnh tranh gay gắt về giá bán để duy trì thị phần và gia tăng sản lượng tiêu thụ.

Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng (CBI) là một trong những doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam, với tổng tài sản khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính mới công bố, trong quý cuối năm, doanh nghiệp ghi nhận 466,7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng nhẹ từ 471 tỷ đồng lên 493 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp báo lỗ 26,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 49 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2024, Gang thép Cao Bằng (CBI) ghi nhận doanh thu 2.188 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế cả năm báo âm tới 150,4 tỷ đồng, trong khi năm 2023 công ty vẫn có lãi 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí sản xuất cao và sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp thép lớn cũng khiến Gang thép Cao Bằng gặp khó khăn.

Hoàng Minh

Theo VietnamFinance