Bí ẩn công ty dám chi 4.200 tỷ đồng sở hữu 37% vốn SJS: Tiền ngân hàng có liên quan?

Trong số rất nhiều dự án đình đám của Sudico đáng chú ý nhất là dự án Nam An Khánh. Dự án này hiện đang thế chấp phần lớn hàng tồn kho để vay vốn Ngân hàng Việt Á.

Thông tin bất ngờ những ngày trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 là việc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát trúng đấu giá và bất ngờ thành cổ đông lớn nhất của Sudico (mã chứng khoán: SJS). Thương hiệu lớn "họ" Sông Đà được đổi chủ sau cú giao dịch trọn lô mua sạch 41,7 triệu cổ phiếu SJS tương ứng 36,6521% vốn điều lệ Sudico từ "ông tổng" Sông Đà.

Thương hiệu lớn "họ" Sông Đà đổi chủ

Sudico (SJS) có vốn điều lệ 1.566 tỷ đồng và "ông tổng" Sông Đà nắm giữ cổ phần chi phối cho đến trước phiên đấu giá. So với các doanh nghiệp bất động sản thời bây giờ thì quy mô vốn của Sudico không hề lớn.

Nhưng, đối với tất cả giới đầu tư hay người dân Việt Nam thì Sudico-Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà- là một cái tên rất quen thuộc. Sudico được thành lập từ 20 năm trước đây theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc chuyển Công ty Đầu tư phát triển đô thị & Khu công nghiệp Sông Đà doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Sông Đà thành công ty cổ phần. Năm 2006, cổ phiếu của công ty chính thức giao dịch trên TTGDCK HCM vào ngày 06/07/2006 với số lượng niêm yết 5 triệu cổ phiếu.

Sudico vang bóng một thời khi từng là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trên sàn chứng khoán những năm 2007-2010, nổi lên nhờ dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì quy mô 36 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, một trong những dự án lớn nhất Hà Nội những năm đầu thập niên 2000. Sau này, Sudico đã triển khai nhiều dự án đô thị, dân cư và du lịch sinh thái lớn khắp cả nước như: Dự án khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng (tổng diện tích 280 ha), dự án khu nhà ở Văn La – Văn Khê (12ha), dự án khách sạn Sông Đà – Hạ Long; dự án Khu dân cư Long Tân – Nhơn Trạch – Đồng Nai (65ha); Các dự án đang trong quá trình đầu tư, như dự án khu đô thị mới Tiến Xuân (1.115ha), dự án Hòa Hải – Đà Nẵng (12ha), dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà Ngọc Vừng (39ha)… 

Vì đâu "doanh nghiệp lạ" dám chi 4.200 tỷ đồng mua cổ phiếu SJS?

Từng vang bóng một thời nhưng ở thời điểm hiện tại, khi hàng loạt "ông lớn" bất động sản ra đời và liên tục tăng vốn thì Sudico trở nên...nhỏ. 5 năm trở lại đây, Sudico không thực hiện tăng vốn điều lệ và quy mô vốn của công ty hiện chỉ ở ngưỡng 1.148 tỷ đồng-thua xa các công ty bất động sản sinh sau đẻ muộn như Đất Xanh, Nam Long, FLC, CEO group...

Vốn điều lệ của Sudico nhỏ nên kể cả khi cổ phiếu SJS tăng "bằng lần" thì vốn hóa của Sudico vẫn chỉ khoảng 12.500 tỷ đồng, rất bé so với các doanh nghiệp khác có cổ phiếu thị giá thấp hơn.

Đây cũng chính là điểm mấu chốt khiến nhiều nhà đầu tư bây giờ nhìn lại khá ngỡ ngàng. Trong suốt nhiều năm, cổ phiếu SJS "lình xình" quanh nền giá 20-25.000 đồng/cổ phiếu khi Tổng công ty Sông Đà vẫn còn đang nắm cổ phần chi phối. Chỉ vài tháng ít ỏi trước khi cuộc đấu giá mở ra thì cổ phiếu SJS tăng phi mã "bằng lần".

Cũng vì cổ phiếu SJS bất ngờ tăng phi mã "bằng lần" nên khi cuộc đấu giá Sudico mở ra với giá khởi điểm 101.900 đồng đã không có nhiều nhà đầu tư dám tham gia. Như vậy, cuộc đấu giá thương hiệu lớn của ông tổng Sông Đà diễn ra "êm đềm" khi chỉ còn 2 "tay to" đặt mua trọn lô 41,7 triệu cổ phiếu mà tổng Sông Đà đem bán!

Cổ phiếu SJS bất ngờ tỉnh giấc sau "giấc ngủ" nhiều năm trước khi Tổng Sông Đà thoái vốn  
Cổ phiếu SJS bất ngờ tỉnh giấc sau "giấc ngủ" nhiều năm trước khi Tổng Sông Đà thoái vốn  

Và như thế, hàng loạt dự án "khủng" mà Sudico đã và đang làm về tay một doanh nghiệp không ai biết đến: Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát.

Có lẽ, An Phát là một trong số ít bên đã nhìn thấy được các dự án "ngon lành" mà Sudico đã và đang triển khai và cũng nhìn ra được đã 5 năm liền Sudico không tăng vốn điều lệ và thị giá cao chỉ là cảm giác cao.

Trong số rất nhiều dự án đình đám của Sudico đáng chú ý nhất là dự án Nam An Khánh. Tại báo cáo thường niên năm 2021 phát hành vào tháng 4/2022 vừa qua của Sudico, dự án Nam An Khánh được nhắc đến rất nhiều với các ảnh chụp cho thấy "vẻ đẹp" của dự án này sau nhiều năm triển khai. Khu Vista Lago thuộc dự án Nam An Khánh đã hoàn tất thi công và chuẩn bị đưa vào vận hành; khu Casa Mila đang được công ty gấp rút triển khai để đi vào kinh doanh trong năm 2022....

Bí ẩn công ty dám chi 4.200 tỷ đồng sở hữu 37% vốn SJS

Khi "ông Tổng" Sông Đà đem 41.745.862 cổ phần SJS ra bán đấu giá với giá khởi điểm 101.900 đồng/cổ phiếu thì chỉ có 2 nhà đầu tư tổ chức tham gia đấu và đều đặt mua trọn lô. Giá đấu chỉ chênh nhau vỏn vẹn 100 đồng/cổ phiếu tức một tổ chức đặt giá 101.900 đồng/cổ phiếu và tổ chức còn lại "trả chênh" 100 đồng/cổ phiếu và trúng đấu giá trọn cả lô cổ phần.

Cuộc chiến không quá cam go nhưng đủ thú vị kể trên đã chọn ra được bên thắng cuộc là Công ty An Phát với mức giá trúng 102.000 đồng/cổ phiếu SJS tức An Phát phải bỏ ra 4.200 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu vừa trúng đấu giá.

4.200 tỷ đồng không phải là con số nhỏ còn An Phát lại là cái tên...rất mới nên nhiều nhà đầu tư đang tò mò về "tiền đâu để An Phát mua được thương hiệu lớn Sudico?". Theo tìm hiểu của chúng tôi, An Phát mới thành lập vào cuối năm 2016 tức chỉ mới hơn 5 năm tuổi. Hiện trụ sở chính của An Phát đặt tại tòa nhà Lotus, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thời điểm ban đầu, doanh nghiệp xây dựng này có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, góp bởi ba cá nhân là bà Mạc Thị Luận (1973), Võ Thị Thanh Trà (1981) và ông Quách Đức Sơn (1980), chủ tịch hội đồng quản trị và cũng là người sở hữu 92% cổ phần. Đến năm 2017, An Phát tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng. Trước khi tham dự đợt đấu giá cổ phiếu SJS khoảng 7 tháng, An Phát mạnh tay tăng vốn rất mạnh lên 1.800 tỷ đồng, cùng với đó vai trò chủ tịch hội đồng quản trị chuyển sang cho ông Phạm Thành Huy (1977).

Ông Phạm Thành Huy hiện cũng đang đứng tên ở Công ty Cổ phần Mặt trời Sông Hồng (Sun Red River), pháp nhân có vốn điều lệ 700 tỷ đồng là chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Sông Hồng Thủ đô, quy mô hơn 44ha.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty mặt trời Sông Hồng mới cuối năm 2020 cũng có giao dịch lớn với Ngân hàng TMCP Việt Á Chi Nhánh Hà Nội. Mặt trời Sông Hồng đã đem thế chấp "toàn bộ các quyền tài sản của Bên bảo đảm với tư cách là Chủ đầu tư được hưởng phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác từ Dự án “Khu đô thị Sông Hồng” tại xã Mê Linh - xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội" để vay vốn tại Ngân hàng Việt Á!

Cũng phải nói thêm rằng, mối quan hệ giữa Ngân hàng Việt Á và Sudico cũng không hề...đơn giản. Sudico hiện đã thế chấp rất nhiều hạng mục tại dự án Nam An Khánh tại ngân hàng Việt Á với số hàng tồn kho hơn 3.600 tỷ đồng. Điều đáng nói là trong số hàng tồn kho đã đem thế chấp tại Ngân hàng Việt Á có phần quyền tài sản thế chấp cho hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP đầu tư Năng lượng An Phát và công ty Năng lượng An Phát cũng đã đem hợp đồng này đi thế chấp tại ngân hàng Việt Á.

Bí ẩn công ty dám chi 4.200 tỷ đồng sở hữu 37% vốn SJS: Tiền ngân hàng có liên quan? - Ảnh 1

Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp "tay không lấy được dự án tỷ đô" trở thành câu chuyện không hề hiếm. Tiền đâu để An Phát thâu tóm được gần 37% cổ phần Sudico; tiền ngân hàng liệu liên quan ra sao trong câu chuyện đổi chủ tại Sudico là một câu hỏi ngỏ.

Ngô An

Theo Chất lượng và Cuộc sống