Bị tính tiền sử dụng đất tăng tới 3 lần, DN địa ốc Hải Dương 'kêu' lên Bí thư tỉnh ủy
11 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tại Hải Dương vừa có đơn đề nghị Bí thư Tỉnh ủy xem xét một số nội dung bất cập trong văn bản mới ban hành của tỉnh về hướng dẫn một số chỉ tiêu khi xác định giá đất cụ thể bằng phương pháp thặng dư trên địa bàn và việc áp dụng văn bản này trong việc tính giá đất cho các dự án.
TRong đơn đề nghị của mình, các DN bất động sản cho rằng, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của các dự án trên địa bản tỉnh Hải Dương quá cao không sát với thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp cho rằng, căn cứ các thông báo tiền sử dụng đất của các dự án trong thời gian vừa qua đều quá cao. Có những dự án tăng gấp gần 3 lần so với giá thị trường bất động sản hiện tại.
Lo lắng trước thực tế này, "chúng tôi làm đơn kiến nghị gửi Bí thư tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương... khẩn thiết tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản để xem xét đánh giá những bất cập trên, đồng thời tìm ra giải pháp tháo gỡ để đảm bảo sự hài hoà về lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp đồng thời đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nguồn thu ngân sách của địa phương”, nhóm doanh nghiệp đề xuất.
Lấy giá lúc sốt áp cho thời đóng băng
Các DN cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc xác định giá đất khi nhà nước giao và cho thuê quá cao là do các Chứng thư định giá đất chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật về định giá. Điều này dẫn đến việc ước tính doanh thu tăng cao so với thị trường bất động sản.
Cụ thể, việc khảo sát giá đất ở làm cơ sở để ước tính tính doanh thu của dự án thường lấy thông tin ở các vị trí không có đặc điểm tương đồng về vi trí, khả năng sinh lời, điều kiện hạ tầng xã hội đối với vị trí thửa đất cần định giá. Không ít các trường hợp dơn vị thẩm định giá sử dụng giá đất ở đơn vị hành chính khác làm cơ sở để ước tính doanh thu.
"Đây chính là nguyên nhân quan trọng đẩy tiền sử dụng đất ở lên quá cao so với thị trường bất động sản", phân tích.
Mặt khác, hiện nay thị trường bất động sản giảm quá sâu và gần như không có giao dịch. Việc đơn vị định giá sử dụng giá đất tại thời điểm cao nhất của thị trường và không căn cứ vào biến động giá của thị trường bất động sản dẫn đến việc định giá bất động sản quá cao gấp nhiều lần giá thị trường.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư giảm trừ tới 30% giá trị đầu tư thực sự của dự án. Nguyên nhân của việc giảm chi phí là do xác định suất đầu tư cơ sở hạ tầng không áp dụng trên cơ sở giá trị quyết toán đầu tư cơ sở hạ tầng theo Hợp đồng đầu tư thực hiện dự án mà áp dụng suất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên việc áp dụng suất vốn đầu tư lại không tính đến các chi phí đặc thù kênh mương, kết nối giao thông của dự án. Tiến độ bán hàng của các Chứng thư thẩm định giá áp dụng theo Hướng dẫn 3224/HD-UBND của UBND tỉnh Hải Dương chứ không căn cứ Hợp đồng đầu tư thực hiện dự án dẫn đến làm giảm chi phí thực tế của nhà đầu tư.
Trao đổi với VietnamFinance, một vị lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại Hải Dương cho biết so với giai đoạn 2019-2021, tiền sử dụng đất của một dự án chỉ khoảng 65-70 tỷ đồng còn hiện nay tương tự với dự án đó thì tiền sử dụng đất lên tới 350 tỷ đồng. Nếu so với đất công nghiệp thì tiền sử dụng đất khu VSIP cao nhất cũng chỉ 100 USD/m2.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, tận thu giá đất, tính theo thời điểm sốt ảo làm cơ sở định giá là sai. "Các doanh nghiệp hiện ngồi im, không ai dám làm vì không biết giá đất sau này được tính như thế nào, vì làm là lỗ", chưa kể điều này sẽ làm tăng giá bất động sản, trong bối cảnh nguồn cung thiếu càng làm cho thị trường trầm lắng".
Bốn bất cập trong việc xác định giá đất
Theo nhóm doanh nghiệp bất động sản, trong Hướng dẫn số 3224 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành vào tháng 11/2022, có 4 bất cập trong việc xác định giá đất.
Cụ thể, trong văn bản hướng dẫn, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu áp dụng suất vốn đầu tư xây dựng làm căn cứ để tính tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng yêu cầu này không phù hợp với quy định của pháp luật, nhất là không phù hợp với tinh thần quan điểm của Bộ xây dựng theo Công văn số 5143/BXD-KTXD.
Thứ hai, nhóm doanh nghiệp cũng chỉ ra việc quy định mức biến động bất động sản cố định là +5% theo Hướng dẫn cũng không phù hợp. Mức độ biến động giá của bất động sản phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Việc Hướng dẫn xác định biến động giá CPI của 3 năm liền kề là không phù hợp và không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào.
"Cách quy định mức biến động cố định +5%/năm dựa trên CPI của tỉnh trong thời gian 3 năm liền kề là không phù hợp. Khi vào chu kỳ giá bất động sản giảm việc áp mức biến động giá bất động sản +5%/năm thực chất sẽ làm tăng doanh thu ảo lên 10%, dẫn đến việc tính sai lệch giá trị của quyền sử dụng đất làm ảnh hưởng đến thị trường và thiệt hại cho các nhà đầu tư bất động sản", nhóm này cho hay.
Thứ ba, quy định về thời gian xây dựng và thời gian bán hàng theo Hướng dẫn quá ngắn, không phù hợp với thực tế.
Thứ tư, về phạm vi áp dụng Hướng dẫn, vi phạm quy định tại Điều 152 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp số 80/2015/QH13 và gây xung đột với các quan hệ đã được xác lập trước thời điểm ban hành.