Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa hợp tác để đón khách quốc tế

Bình Định - Phú Yên - Khánh Hoà nằm trên dải đất vùng duyên hải Nam Trung Bộ và tuyến du lịch xuyên Việt, có vị trí chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông – Tây, cửa ngõ ra biển của các tuyến hành lang Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông.

Ngày 27/8, Sở Du lịch các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tổ chức Hội thảo "Tour một hành trình 3 điểm đến", đồng thời ký kết hợp tác giữa 3 địa phương nhằm phục vụ thị trường khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Với sự tương đồng về văn hóa, tài nguyên, sản phẩm du lịch, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa hợp tác để đón khách quốc tế.

Theo các chuyên gia, hệ thống giao thông của 3 tỉnh phát triển thuận lợi cho việc liên kết du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng. Đặc biệt, về hàng không, 3 địa phương đều có cảng hàng không.

Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đều có trung tâm đô thị là những thành phố biển với bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp, thắng cảnh kỳ thú; hệ thống đường sắt thuận lợi phục vụ du lịch xuyên suốt Bắc - Nam.

Trong đó, Bình Định có Cảng hàng không Phù Cát đã khai thác đón khách Hàn Quốc và mở các tuyến bay nội địa kết nối Hà Nội, TP. HCM, TP. Vinh, Hải Phòng, Thanh Hoá.

Khánh Hoà có Sân bay quốc tế Cam Ranh kết nối nhiều điểm đến khác nhau trên thế giới: Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Hồng Kong, Thái Lan, Đài Loan, Singapore...

Đây là điều kiện thuận lợi để kết nối, xây dựng tour "một hành trình, ba điểm đến" nhằm khai thác và phục vụ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến nghỉ dưỡng tại các resort đẳng cấp quốc tế dọc biển.

Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa ký kết hợp tác cùng phát triển du lịch.  
Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa ký kết hợp tác cùng phát triển du lịch.  

Ngoài ra, Quốc lộ 1 đã được nâng cấp và mở rộng, hầm Đèo Cả và Cù Mông hoàn thành thuận lợi cho việc kết nối Phú Yên với các tỉnh, các phương tiện vận chuyển phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, các địa phương có thể triển khai các sản phẩm du lịch Golf, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của 3 địa phương, trải nghiệm khám phá khoa học vũ trụ tại Trung tâm khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo Quy Nhơn…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn trong việc khai thác, thu hút 3 thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến với Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà.

Khánh Hòa mới chỉ khai thác thành công thị trường khách Trung Quốc chiếm 67% tổng lượt khách quốc tế, Hàn Quốc chiếm 3% tổng lượt khách quốc tế. Bình Định cũng mới chỉ khai thác thành công khách Hàn Quốc (chiếm 20,8% tổng lượt khách quốc tế).

Vì vậy, Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định đề nghị mỗi địa phương cần xác định thế mạnh về tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của từng vùng để xây dựng sản phẩm du lịch chung "một hành trình, ba điểm đến".

Giữa 3 địa phương cần phải đẩy mạnh phối hợp tổ chức các sự kiện, lễ hội, hội thảo về giới thiệu, phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch tương đồng để tránh sự trùng lặp.

Đồng thời, Bình Định - Phú Yên - Khánh Hoà cần đẩy mạnh phối hợp tổ chức lễ hội, phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch tương đồng để tránh sự trùng lắp; phối hợp với các hãng hàng không mở chuyến bay charter, mở chuyến đến một số thành phố lớn của 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên sử dụng tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua phối hợp với các công ty lữ hành lớn đóng trên địa bàn.

Đặc biệt, các đơn vị lữ hành tại Khánh Hòa cần hỗ trợ lực lượng hướng dẫn viên quốc tế và có kinh nghiệm khi có các đoàn khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Bình Định, Phú Yên; cấp tốc tuyển chọn và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thành thạo tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Các địa phương phối hợp với các hãng hàng không mở chuyến bay charter (thuê chuyến), mở chuyến đến thành phố lớn của 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước, đón 954.600 lượt du khách quốc tế (gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 90.3% so với cùng kỳ năm 2019), tổng thu đạt 336.000 tỷ đồng.

Hiện, thị trường du lịch nội địa gần như đã phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên thị trường du lịch quốc tế chưa có nhiều tiến triển.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các quốc gia, giữa các địa phương trong nước đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được khai thác và rất hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Một số sản phẩm tiêu biểu gồm: 3 nước Việt Nam - Lào – Campuchia; chương trình con đường di sản miền Trung; chương trình du lịch TP. HCM - Long An - Tiền Giang - Đồng Tháp; chương trình du lịch 3 tỉnh Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam, hành trình du lịch 3 địa phương 1 điểm đến Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh…

Để khai thác có hiệu quả chương trình du lịch này, ông Siêu đề nghị 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa sớm liên kết, chuẩn bị mọi nguồn lực đón dòng khách từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống