Bình Phước xin giao lại cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành

Phần lớn chiều dài tuyến dự án TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đi qua tỉnh Bình Dương (60/68,7 km).

UBND tỉnh Bình Phước vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về tình hình chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc TTP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.

Tại công văn này, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Thủ tướng thống nhất giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án khi xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Lý do được đưa ra là phần lớn chiều dài tuyến dự án đi qua tỉnh Bình Dương (60/68,7 km) nên việc giao UBND tỉnh Bình Dương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tạo thuận lợi trong quá trình triển khai công trình.

“Đối với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài khoảng 7 km với chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng công trình khoảng 1.300 tỷ đồng, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Thủ tướng giao Bình Phước đầu tư bằng ngân sách tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đề xuất.

Dự án cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe chạy suốt và 4 làn xe đô thị hai bên. Ảnh minh họa  
Dự án cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe chạy suốt và 4 làn xe đô thị hai bên. Ảnh minh họa  

Trước đó, trong công văn ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM báo cáo HĐND cấp tỉnh để đồng thuận giao tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm chi trả chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của từng địa phương.

Việc hỗ trợ ngân sách Trung ương cho dự án cao tốc phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần.

Vào tháng 9/2021, Bộ GTVT đã gửi công văn tới UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu phối hợp thúc tiến độ dự án. Cụ thể, Bộ đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Tư vấn và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và các thủ tục cần thiết, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đồng thời, yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tích cực hơn nữa trong việc phối hợp các cơ quan, đơn vị của UBND tỉnh Bình Phước để thúc đẩy tiến độ chuẩn bị Dự án.

Bộ GTVT trước đó cũng đã bàn giao kết quả nghiên cứu về tuyến cao tốc này kèm theo toàn bộ hồ sơ, tài liệu để UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện.

Theo nghiên cứu của Bộ GTVT, tuyến cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7 km, bao gồm hai đoạn tuyến: đoạn tuyến nối cao tốc có điểm đầu (Km0+00 tại nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM), điểm cuối (Km8+600) tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP.HCM) và đoạn tuyến cao tốc có điểm đầu (Km8+600) tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP.HCM), điểm cuối (Km68 +700 giao Quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).

Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe chạy suốt và 4 làn xe đô thị hai bên. Trong giai đoạn phân kỳ, dự án sẽ đầu tư 8,6 km từ nút giao Gò Dưa đến nút giao An Phú (TP.HCM) theo quy mô 10 làn xe, nền đường rộng 64 m; đoạn còn lại sẽ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 24.274 tỷ đồng (chưa tính lãi vay), trong đó vốn Nhà nước tham gia 12.137 tỷ đồng và nhà đầu tư tư nhân là 12.138 tỷ đồng.

Dự án khi hoàn thành được kỳ vọng từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam và quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh, kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên; Đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực cửa ngõ TP.HCM, chia sẻ lưu lượng các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 13, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực dự án nói chung và TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước nói riêng.

Minh Thái

Theo Đất Việt