Thống nhất 15.900 tỷ làm cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài
Sáng 19/10, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, HĐND TP Hồ Chí Minh đã đồng thuận thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài do UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất.
Theo đề xuất, dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Điểm đầu của tuyến đường từ Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, tuyến đi song song với Quốc lộ 22 hiện hữu, cách Quốc lộ 22 khoảng 3-5 km. Điểm cuối của tuyến kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu.
Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến 15.900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 5.417 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư và chi phí khác là 1.836 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 7.433 tỷ đồng (đoạn qua TP Hồ Chí Minh có chi phí khoảng 5.901 tỷ đồng, đoạn qua Tây Ninh có chi phí khoảng 1.532 tỷ đồng); chi phí dự phòng là 1.214 tỷ đồng
Theo quy hoạch, tuyến đường có 8 làn xe, riêng đoạn trên địa phận tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Toàn tuyến có tổng chiều dài 50 km, đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài 23,7 km. Giai đoạn 1 tuyến cao tốc được đầu tư 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Phương thức đầu tư của dự án là đối tác công tư (hợp đồng BOT). Trong đó, nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT, Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn ngân sách của TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh.
Được biết, đối với việc thực hiện cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18/6/2020 là UBND TP Hồ Chí Minh.
Nhiều năm qua, người dân, doanh nghiệp đã chờ đợi tuyến Cao tốc Mộc Bài – TP Hồ Chí Minh triển khai, bởi Quốc lộ 22 đã quá tải. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho Quốc lộ 22, góp phần hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực vùng kinh tể trọng điểm phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong khu vực. Đây cũng sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.