Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhà nước cần duyệt giá bán nhà ở xã hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng quy định Nhà nước quyết định giá bán nhà ở xã hội thì mới bán đúng đối tượng, còn nếu không, sẽ rơi vào kênh nhà ở thương mại.
Ngày 5/6, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), việc xác định giá bán, thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội nhận được nhiều góp ý từ các đại biểu.
Nêu ý kiến đối với vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhà ở xã hội có hai loại, do Nhà nước đầu tư và từ nguồn vốn xã hội hóa (do doanh nghiệp đầu tư).
Nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, theo Bộ trưởng, trong dự thảo luật cần ghi rõ UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện, đồng thời UBND tỉnh chịu trách nhiệm quy định giá bán và giá thuê.
"Vì đất làm nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên Nhà nước đầu tư làm thì quy định giá bán cho đối tượng được mua", Bộ trưởng lý giải.
Còn trường hợp doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Phớc nói cũng cần Nhà nước duyệt giá.
Bộ trưởng phân tích, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, nhưng đất là Nhà nước giao đất sạch, không thu tiền sử dụng đất, Nhà nước phải khống chế mức bán tối đa. Như vậy, nhà ở xã hội mới bán, cho thuê đúng đối tượng. Còn nếu không, sẽ rơi vào "kênh" nhà ở thương mại.
"Nhà nước phải quyết giá với nhà ở xã hội. Dự án do Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn doanh nghiệp bỏ vốn phải quy định giá tối đa, tức giá trần. Khi bán giá tối đa, doanh nghiệp tiết kiệm hơn, họ sẽ có lời", ông nói.
Về hạ tầng nhà ở xã hội, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, phí bảo trì và quản lý nhà phải giao cho UBND tỉnh ban hành, nếu không mỗi khu chung cư sẽ đặt ra một loại phí khác nhau rất khó quản lý, trong khi, khoản phí này do chính đối tượng ở nhà ở xã hội chi, là đối tượng yếu thế. Do đó cần phải quản lý, phải duyệt giá, không để chủ đầu tư tự nâng giá như thế nào cũng được.
Thực tế, nhà ở xã hội trước đây quy định không quá 5 tầng (tức là chỉ đi cầu thang bộ), nhưng hiện nay phải đi thang máy, với hạ tầng hiện đại hơn, đòi hỏi bộ máy quản lý phải chuyên nghiệp hơn.
“Muốn chuyên nghiệp thì phải bỏ phí ra, phải có kinh phí bảo trì. Kinh phí bảo trì ai trả, chính là người lao động trả, hay chính đối tượng sử dụng nhà ở xã hội trả. Đối tượng này là những đối tượng nghèo, yếu thế, cho nên địa phương phải duyệt giá, không thể để chủ đầu tư tự nâng giá lên thế nào cũng được", Bộ trưởng nói.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng cho rằng, cần quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối, cũng như tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội,...
Đại biểu đề nghị, doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế dứt khoát phải có các dự án nhà ở xã hội với mục đích phi lợi nhuận; thậm chí có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn.
Liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng hiện TP.HCM có khoảng 2 - 3 triệu công nhân, nhưng trong khu công nghệ, công nghiệp chỉ khoảng 330.000 lao động, còn lại là lao động ở ngoài. Nếu dự thảo Luật Nhà ở chỉ giới hạn đối tượng mua nhà ở xã hội chỉ là công nhân khu công nghiệp, 70-80% lao động sẽ bị loại bỏ cơ hội.
Với mặt bằng giá cả và thu nhập hiện nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, ngay cả với những người lao động thuộc diện phải chịu thuế thu nhập thì sau khi trừ các chi phí sinh hoạt đi cũng rất khó mua được nhà ở, kể cả nhà ở xã hội.
Do đó, cần chú trọng, đề cao xây dựng nhà ở cho thuê cho công nhân bởi đại đa số người dân hiện không tiếp cận được nhà ở mua. Việc tăng diện tích nhà cho thuê sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở cho người dân, người lao động, từ đó giảm áp lực nhà ở, khiến giá nhà sẽ giảm.