Bộ Xây dựng: 'Đề xuất bố trí khoảng 14.800 tỷ gỡ khó cho 11 dự án BOT'
Bộ Xây dựng đề xuất Nhà nước bố trí khoảng 14.800 tỷ đồng tiền tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2024 để mua lại và hỗ trợ các dự án BOT gặp khó khăn.
Bộ Xây dựng mới đây cho biết, hiện cả nước có 140 dự án BOT, trong đó có 66 dự án do Bộ quản lý và 74 dự án do địa phương quản lý. Trong số 140 dự án kể trên, có tới 11 dự án (8 dự án do Bộ quản lý và 3 dự án do địa phương quản lý) gặp khó khăn và cần có giải pháp tháo gỡ.
Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết nhằm giải quyết triệt để bất cập của các dự án BOT được đầu tư xây dựng giai đoạn trước năm 2015.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, 11 dự án BOT gặp khó khăn được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 gồm 4 dự án có doanh thu sụt giảm, không có khả năng phục hồi là dự án cầu Ba Vì – Việt Trì, dự án cầu Thái Hà, dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả và dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Bộ Xây dựng đề xuất Nhà nước hỗ trợ khoảng 8.482 tỷ đồng cho các dự án thuộc nhóm 1. Trong đó, dự án cầu Thái Hà được đề xuất mức hỗ trợ lên lên tới 60% tổng mức đầu tư, tương ứng 1.024 tỷ đồng. Theo Bộ Xây dựng, việc hỗ trợ cao đối với dự án này là vì công trình nằm tại huyện Lý Nhân (Hà Nam) – địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Còn lại, Bộ Xây dựng đề xuất hỗ trợ dự án cầu Ba Vì - Việt Trì khoảng 598 tỷ đồng (tương ứng 41% tổng mức đầu tư), dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả khoảng 2.280 tỷ đồng (tương ứng khoảng 37% tổng mức đầu tư), dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn 4.600 tỷ đồng, (tương ứng khoảng 38% tổng mức đầu tư).

Nhóm 2 có 7 dự án, gồm Tuyến tránh TP. Thanh Hóa, dự án xây dựng mới cầu Bình Lợi, dự án cải tạo Quốc lộ 91, dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới, dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Lắk, dự án xây dựng cầu An Hải và dự án nâng cấp đường 39B đoạn thị trấn Thanh Nê.
Để thanh toán và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cho các dự án này, Bộ Xây dựng đề xuất bố trí khoảng 6.317 tỷ đồng từ vốn Nhà nước.
Mức vốn dự kiến phân bổ cụ thể như sau: dự án Tuyến tránh TP Thanh Hóa khoảng 882 tỷ đồng, dự án xây dựng mới cầu Bình Lợi khoảng 571 tỷ đồng, dự án cải tạo Quốc lộ 91 khoảng 1.278 tỷ đồng, dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới khoảng 2.631 tỷ đồng, dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Lắk 379 tỷ đồng, dự án xây dựng cầu An Hải khoảng 33 tỷ đồng, dự án nâng cấp đường 39B đoạn thị trấn Thanh Nê khoảng 543 tỷ đồng.
“Số tiền Nhà nước hỗ trợ trên không tính lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong giá trị đề nghị thanh toán. Nhà nước chỉ hỗ trợ, thanh toán một phần lãi vay đối với khoản vay đầu tư dự án (nếu có)”, Bộ Xây dựng nhận định.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, 11 dự án trên phải có sự vào cuộc của Nhà nước vì các vướng mắc đến từ nhiều yếu tố như: thay đổi chính sách phí, vị trí đặt trạm thu phí…
Chẳng hạn như với thay đổi chính sách phí, chính sách Nhà nước cho phép doanh nghiệp đầu tư nâng cấp Quốc lộ 91B và đặt hai trạm thu phí (T1 và T2) để thu hồi vốn. Tuy nhiên, hình thức thu phí hở, chỉ cần đi qua dự án là phải trả tiền, dù chỉ sử dụng một đoạn ngắn, đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Áp lực dư luận buộc nhà đầu tư phải dừng thu tại một trạm, khiến doanh thu tích lũy đến nay chỉ đạt 35% so với kế hoạch ban đầu, do không thể thu phí theo cơ chế cam kết.
Về số tiền hỗ trợ 11 dự án, Bộ Xây dựng đề xuất trích khoảng 14.223 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2024 để tháo gỡ vướng mắc đối với 9/11 dự án. Đối với 2 dự án còn lại, tỉnh Phú Yên, Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền, chịu trách nhiệm bố trí khoảng 576 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tháo gỡ vướng mắc.