Bơm vốn cho dự án BOT: Ngân hàng sẵn tiền nhưng không dễ cho vay

Dự án BOT cần vốn, ngân hàng cũng sẵn sàng cấp tín dụng, tuy nhiên lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, dù sẵn tiền nhưng việc cấp tín dụng cho các dự án BOT xây dựng hạ tầng không hề dễ dàng.

BOT giao thông cần vốn chục nghìn tỷ

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8%, hướng tới mức hai con số trong những năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu này, theo phân tích của nhiều chuyên gia, bên cạnh việc tháo gỡ các vướng mắc môi trường kinh doanh, thúc đẩy bất động sản, thì đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Chính phủ cũng đã đưa ra mục tiêu cụ thể, hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và 1.000 km đường ven biển vào cuối năm 2025. Bên cạnh đó, nhiều tuyến cao tốc sẽ được mở rộng quy mô, từ 2 làn lên 4 làn và từ 4 làn lên đủ làn theo quy hoạch. Việc đẩy nhanh tiến độ này không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông mà còn tạo cú hích quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông đang gặp khó khăn, trong đó có vấn đề về vốn. Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại ngày 12/2, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh cho biết hiện đang có 11 dự án BOT giao thông gặp khó khăn cần xử lý, trong đó 7 dự án đã cơ bản giải quyết dứt điểm.

TPBank kí kết cấp tín dụng lên tới 2.500 tỷ cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.  
TPBank kí kết cấp tín dụng lên tới 2.500 tỷ cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.  

Để giải quyết các khó khăn này cũng như triển khai các dự án BOT mới, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh rất cần sự chung sức, chia sẻ giữa các bên liên quan, trong đó có sự đồng hành của ngành ngân hàng.

Vốn cần để phát triển cho các dự án hạ tầng giao thông là rất lớn. Tổng mức đầu tư cho 5 loại hình giao thông lên tới 6,27 triệu tỷ đồng tới năm 2035. Do đó, bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, rất cần đến sự đồng hành của ngân hàng.

Thực tế, trong nhiều năm qua, ngân hàng đã tài trợ đáng kể cho các dự án hạ tầng giao thông. Nhiều ngân hàng TMCP cũng đã tích cực tham gia cấp tín dụng cho các dự án hạ tầng giao thông.

Tại TPBank, tổng dư nợ tín dụng cho các dự án BOT của nhà băng này đến nay đã lên tới 7.897 tỷ đồng. Ngân hàng này đã cho vay các dự án như dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án đường ven biển Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng và các dự án của tỉnh Long An – đường 830.

Mới đây, TPBank đã ký kết cấp tín dụng lên tới 2.500 tỷ cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào ngày 10/2 vừa qua.

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBankTPBank cho biết, Ngân hàng đã tài trợ cho nhiều dự án xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT). Đối với dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, TPBank cam kết sẽ giải ngân ngay trong tuần này. Việc tháo gỡ khó khăn cho dự án để đảm bảo tiến độ thi công, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025, ngay cả khi tỷ lệ vốn công chưa được điều chỉnh lên 70:30.

Để ngân hàng không đứng ngoài các dự án BOT

Mặc dù là ngân hàng sẵn sàng cấp tín dụng cho các dự án BOT song ông Phú thừa nhận, cấp tín dụng cho các dự án BOT để xây dựng hạ tầng là vấn đề không hề dễ dàng.

Đại diện TPBank cho biết, các dự án BOT đường bộ là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro vì thời gian hoàn vốn kéo dài. Phương án tài chính chịu nhiều tác động bởi yếu tố khách quan khiến các ngân hàng luôn rất ngần ngại khi cho vay.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ khó khăn của các ngân hàng khi cho vay dự án BOT. Theo lãnh đạo NHNN, dự án BOT thường cần vốn rất lớn và thời gian hoàn vốn dài, có thể dẫn đến ách tắc trong huy động vốn. Trong khi đó, do thời gian vay quá dài, ngân hàng chịu nhiều rủi ro nên lãi suất cho vay BOT thường cao và khó có thể giảm.

Thực tế, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là vốn ngắn hạn trong khi các dự án BOT giao thông lại thường có thời gian thu hồi vốn dài hạn, từ 10 – 20 năm, thậm chí trên 20 năm. Chưa kể, các dự án BOT giao thông thường cần vốn hàng nghìn tỷ đồng, trong khi room tín dụng của ngân hàng bị giới hạn, dẫn đến việc ngân hàng không thể giải ngân thêm nếu đã chạm mức trần tín dụng.

Bơm vốn cho dự án BOT: Ngân hàng sẵn tiền nhưng không dễ cho vay - Ảnh 1

Trước những thách thức đó, ông Phú đề xuất NHNN xem xét miễn áp dụng room tín dụng đối với các khoản vay BOT, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng có thêm dư địa tài trợ vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện NHNN cho biết, ngành ngân hàng luôn quyết liệt với việc cấp tín dụng cho các dự án lớn, dự án BOT và sẽ trình Thủ tướng cho phép vượt hạn mức cấp tín dụng đối với các ngân hàng cho vay những dự án trên.

Đối với các dự án BOT, BT giao thông cũ, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi tình hình cấp tín dụng; phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan trong việc xử lý những tồn tại khó khăn, vướng mắc liên quan.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT trong việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến thu xếp vốn cho các dự án giao thông trọng điểm; đồng thời chỉ đạo các TCTD chủ động tiếp cận thông tin, xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của pháp luật.

NHNN cũng kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, khai thác các dự án BOT giao thông cũ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 270/TB-VPCP ngày 22/6/2024.

Đồng thời, cần chủ động tổng hợp, công bố rộng rãi danh mục dự án BOT cần vay vốn tín dụng để các ngân hàng có đầy đủ thông tin để tiếp cận, xem xét, thẩm định cho vay theo quy định.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance