Bộ Xây dựng lý giải tình trạng chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở huy động vốn trái phép từ người mua nhà
Bộ Xây dựng cho biết việc chủ đầu tư lách luật huy động vốn khi chưa đủ điều kiện pháp lý có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân trực tiếp như pháp luật hiện hành chưa hoàn thiện, đồng bộ để đảm bảo ngăn chặn được triệt để hành vi lách luật; năng lực chủ đầu tư chưa được sàng lọc tốt; hiểu biết và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chưa cao, có tâm lý chạy theo lợi nhuận...
Bộ Xây dựng vừa nhận được phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội đoàn TP. HCM về thực trạng chủ đầu tư huy động vốn trái phép từ người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định hoặc chủ đầu tư sau khi hoàn thành dự án (bàn giao căn hộ cho người mua sử dụng) nhưng chưa giải chấp ngân hàng khoản vay vốn cho dự án trước đó, dẫn đến người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng nêu giải pháp để hạn chế các sai phạm của chủ đầu tư dự án, và trong giai đoạn tới chuẩn bị sửa đổi Luật Nhà ở có các đề xuất quy định nào nghiêm ngặt trong kiểm soát và xử lý các sai phạm để chủ đầu tư không thể làm sai hoặc không dám làm sai?
Trả lời đại biểu, Bộ Xây dựng thừa nhận thị trường bất động sản thời gian qua bộc lộ một số bất cập, tồn tại, trong đó có việc chủ đầu tư huy động vốn từ người mua nhà khi dự án nhà ở chưa đủ điều kiện hoặc khi chưa giải chấp. Điều này dẫn đến vướng mắc không làm được thủ tục, không bàn giao được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho người mua.
Theo Bộ Xây dựng, các tồn tại trong việc chủ đầu tư lách luật huy động vốn khi chưa đủ điều kiện pháp lý có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân trực tiếp như pháp luật hiện hành chưa hoàn thiện, đồng bộ để đảm bảo ngăn chặn được triệt để hành vi lách luật; năng lực chủ đầu tư chưa được sàng lọc tốt; hiểu biết và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chưa cao, có tâm lý chạy theo lợi nhuận...
Ngoài ra, cơ quan này cho rằng thông tin về thị trường bất động sản chưa thông suốt hay thanh tra, kiểm tra, phổ biến pháp luật, giám sát chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý... cũng là các nguyên nhân dẫn đến thực tại nêu trên.
Về giải pháp để hạn chế việc lách luật huy động vốn, kiểm soát để thị trường bất động sản an toàn, ổn định, Bộ cho biết đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 02 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó bổ sung quy định về hợp đồng theo mẫu trong giao dịch bất động sản và Nghị định số 44 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm đảm bảo thông tin minh bạch thị trường.
Hiện nay, Nghị định số 16 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đã quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong kinh doanh bất động sản.
Nghị định số 99 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật nhà ở cũng quy định chủ đầu tư dự án nhà ở không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn.
Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chỉ thị số 13 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, bổ sung. Trong các dự thảo các Luật sửa đổi, bổ sung nêu trên đã chú trọng xây dựng nhóm hệ thống các quy định nhằm quy định đồng bộ, bao quát giữa việc vừa tạo cơ chế, sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản; quy định về các hình thức huy động vốn, quản lý sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản, đồng thời quy định áp dụng biện pháp bảo đảm trong giao dịch mua bán bất động sản hình thành trong tương lai; trách nhiệm của chủ đầu tư dự án...
Bên cạnh đó là quy định nâng cao về trách nhiệm công khai thông tin bất động sản của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản. Trong đó, xây dựng hệ thống thông tin về thị trường bất động sản thống nhất và liên thông từ Trung ương đến địa phương; liên kết chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực, các cơ quan liên quan.; đồng thời là quy định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản.