Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới
Giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi xếp thứ 14 trên thế giới, trong khi Tràng Tiền Plaza Hà Nội góp mặt ở vị trí 18, theo bảng xếp hạng các đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới của đơn vị Cushman & Wakefield.
Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại đường Đồng Khởi đạt 368 USD/feet vuông/năm (tương đương với 330 USD/m2/tháng), tăng 32% so với cùng kỳ trước đại dịch nhưng giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do đồng nội tệ biến động giá so với đồng USD.
Cụ thể, đường Đồng Khởi xếp hạng thứ 14, giảm một bậc so với năm ngoái nhưng vẫn lọt top 15 mặt bằng bán lẻ đắt nhất thế giới. Với vị trí này, Đồng Khởi đang xếp sau những mặt bằng bán lẻ khác như Tokyo, Sydney, Thượng Hải hay Hong Kong.
“Thị trường bán lẻ xa xỉ tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và thu hút sự chú ý của nhiều thương hiệu quốc tế. Trong đó, Đồng Khởi là một trong những con phố sầm uất và nổi tiếng nhất tại trung tâm TPHCM, gần nhiều khách sạn cao cấp và các điểm du lịch nổi tiếng, giúp thu hút lượng khách hàng tiêu dùng cao cấp tiềm năng lớn.” Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết.
Ngoài ra, bà khẳng định nhiều thương hiệu xa xỉ đã chọn Đồng Khởi làm địa điểm để mở cửa hàng và định vị thương hiệu của mình tại Việt Nam. Việc có mặt trên con phố này giúp các thương hiệu xa xỉ không chỉ tiếp cận được với khách hàng mục tiêu mà còn duy trì và nâng cao hình ảnh sang trọng, đẳng cấp của mình.
Bên cạnh đó, phố Tràng Tiền tại Hà Nội cũng ghi nhận giá thuê là 334 USD/feet vuông/năm (tương đương với 300 USD/m2/tháng), tăng 50% so với mức trước đại dịch và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Theo bảng xếp hạng các thị trường Châu Á Thái Bình Dương, Tràng Tiền được ghi nhận là con phố có mức giá thuê mặt bằng bán lẻ cao thứ 18 trong khu vực, giảm một bậc về mức cho thuê đắt đỏ.
Kể từ khi trung tâm thương mại đầu tiên của Việt Nam mở cửa, bao gồm Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội và Thương Xá Tax ở TP HCM, tổng nguồn cung bán lẻ bắt đầu khoảng 30.000m2. Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, giai đoạn từ 1996-2019, trung bình mỗi năm thị trường chào đón 97.000 m2 sàn bán lẻ gia nhập vào thị trường.
Đặc biệt, thị trường bán lẻ tăng trưởng mạnh trong vòng 6 năm từ 2013 tới 2019 với 195 nghìn m2 sàn bán lẻ mới gia nhập thị trường mỗi năm.
Cũng theo đơn vị nghiên cứu Cushman & Wakefield, trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ có dấu hiệu chững lại về nguồn cung, đặc biệt tại khu vực lõi trung tâm, thúc đẩy giá thuê. Đến quý 3/2024, tổng nguồn cung bán lẻ cả hai thành phố đạt khoảng 2,56 triệu m2.
Báo cáo Savills ghi nhận tình trạng nguồn cung thương mại tại Hà Nội chiếm 63% tỷ trọng nguồn cung, tương đương 1,14 triệu m2. Tuy công suất giảm 5 điểm % theo năm, nhưng giá thuê gộp tầng trệt vẫn tăng 6% theo năm.
Trái ngược với diễn biến tại Hà Nội, các thương hiệu lớn tập trung vào phân khúc bình dân tại TP HCM như Mr. DIY, Uniqlo và Muji mở rộng ở khu vực ngoài trung tâm do giá thuê phải chăng, mật độ dân số cao.
Tuy nhiên, thị trường nhà phố trung tâm đang có làn sóng trả mặt bằng của các thương hiệu lớn nhiều tháng qua. Mới đây, Starbucks Reserve đã trả lại mặt bằng số 13 Hàn Thuyên, quận 1, TP HCM khi giá thuê lên đến 30.000 USD mỗi tháng (tương đương 750 triệu đồng). Tương tự, YEN Shushi cũng đóng cửa chi nhánh số 8 tại đường Đồng Khởi.