BOT cầu Thái Hà chậm tiến độ, VietinBank thu hồi 1.400 tỷ tài trợ vốn... "khó như lên trời"?

- Tài trợ trên 1.425 tỷ đồng (tương đương 85% tổng vốn đầu tư) cho Dự án đầu tư cầu Thái Hà theo hình thức hợp đồng BOT. Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó khăn trong việc khai thác, chi phí hoạt động lớn hơn doanh thu, có thể khiến nhà tài trợ vốn là Ngân hàng Vietinbank "mắc kẹt" trong việc thu hồi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho dự án.

 

>>> Khởi kiện BOT thu phí bất hợp lý, tại sao không?

>>> Ký sự về một tỷ phú nhiều chuyện

 

Gặp khó trong hoạt động, thu không đủ bù chi

Ngày 3/10/2017 vừa qua, Bộ Giao Thông Vận Tải đã có văn bản số 11202/BGTVT-ĐTCT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc vướng mắc khi khai thác Dự án đầu tư cầu Thái Hà theo hình thức hợp đồng BOT.

BOT cầu Thái Hà chậm tiến độ, VietinBank thu hồi 1.400 tỷ tài trợ vốn... "khó như lên trời"? - Ảnh 1

Được biết, Dự án cầu Thái Hà có vai trò là liên kết giữa Dự án tuyến nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình (gọi là Dự án nối hai cao tốc địa phận Hà Nam) và Dự án đường nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (gọi là Dự án nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam).

Dự án có chiều dài 5.346,45m, được đầu tư xây dựng giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT, chủ đầu tư là Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà, bao gồm Liên danh Công ty TNHH Tiến Đại Phát – CTCP tư vấn và xây dựng Phú Xuân – CTCP đầu tư và XNK Bình Minh, với tổng vốn đầu tư 1.671,765 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 245,95 tỷ đồng, tương đương 14,71%, 1.425,815 tỷ đồng còn lại, tương đương 85,29% do Ngân hàng VietinBank hỗ trợ cho vay. Dự kiến thời gian thu giá dịch vụ đường bộ là 16 năm 7 tháng.

Dự án cầu Thái Hà khởi công ngày 17/10/2014, thông xe kỹ thuật vào ngày 15/11/2016, ngoại trừ một số hạng mục không ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác.

BOT cầu Thái Hà chậm tiến độ, VietinBank thu hồi 1.400 tỷ tài trợ vốn... "khó như lên trời"? - Ảnh 2

Văn bản của Bộ GTVT cho thấy, Dự án BOT cầu Thái Hà đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành để thu hồi vốn.

Mặc dù Dự án đã đi vào sử dụng gần 1 năm, tuy nhiên trên thực tế còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, khảo sát cho thấy lưu lượng xe qua cầu Thái Hà chỉ đạt 400 xe/ngày đêm và chủ yếu là xe nội vùng. Với lượng như vậy, nếu nhà đầu tư tổ chức thu giá dịch vụ đường bộ thì chi phí tổ chức thu lớn hơn doanh thu (khoảng 21,78 triệu đồng so với 14 triệu đồng/ngày đêm), gây phát sinh lỗ cho Dự án (khoảng 7,78 triệu đồng/ngày.đêm).

Điều đáng nói là lưu lượng xe qua Dự án cầu Thái Hà phụ thuộc phần lớn vào tiến độ xây dựng 2 tuyến nối do Sở GTVT Hà Nam và Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/9/2017, Dự án nối hai cao tốc địa phận Hà Nam có chiều dài khoảng 15,5 km, tổng mức đầu tư 1.785 tỷ đồng mới hoàn thành được 5,9 km. Đáng lo ngại là, Dự án đang trong tình trạng chưa thể định chính xác thời gian hoàn thành do không có vốn.

Mặc dù Bộ GTVT nhiều lần đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn bổ sung để hoàn trả nguồn vốn đã ứng của các địa phương và tiếp tục thực hiện đầu tư hoàn thành giai đoạn I của Dự án, tuy nhiên, đến nay nguồn vốn chưa được bố trí.

Bên cạnh đó, Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thực hiện theo hình thức BT, có chiều dài khoảng 25,8 km, tổng mức đầu tư là 4.281 tỷ đồng, thời gian thực hiện: bắt đầu từ tháng 5/2010, đưa vào vận hành khai thác tháng 10/2016. Đến nay, Dự án cơ bản đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng, dẫn tới không thể kết nối trực tiếp Dự án cầu Thái Hà.

BOT cầu Thái Hà chậm tiến độ, VietinBank thu hồi 1.400 tỷ tài trợ vốn... "khó như lên trời"? - Ảnh 3

Trạm thu phí BOT cầu Thái Hà

Theo thỏa thuận Hợp đồng số 11/BOT-BGTVT ngày 27/3/2015, khi Dự án cầu Thái Hà đưa vào khai thác, nhà đầu tư được phép thu giá dịch vụ đường bộ, doanh thu để chi trả các khoản chi đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư. Trong đó, đáng kể nhất là chi phí tổ chức thu theo phương án tài chính (chi phí này khoảng 21,78 triệu đồng/ngày đêm); chi phí bảo trì công trình.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà đã nhiều lần xin Bộ GTVT chưa tiến hành thu giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ nhà đầu tư, do doanh thu thu phí không đạt so với phương án tài chính.

VietinBank khó thu hồi vốn? 

Được biết, theo quy định, nếu Dự án này không đưa vào khai thác trước tháng 11/2018 thì phải dừng hợp đồng và theo thỏa thuận, Bộ GTVT có trách nhiệm bồi hoàn các khoản chi phí nhà đầu tư đã thực hiện đối với Dự án cho đến thời điểm chấm dứt hợp đồng.

Không chỉ Nhà nước phải gánh nợ, một bên liên quan khác cũng bị mắc kẹt tại Dự án này, đó chính là ngân hàng tài trợ cho vay VietinBank.

Được biết, ngày 31/3/2015, Ngân hàng VietinBank chi nhánh Hà Nam đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn Dự án đầu tư xây dựng cầu Thái Hà - thuộc chủ đầu tư là Công ty CP BOT Thái Hà. Công trình cầu Thái Hà, giai đoạn 1 được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 1.649 tỷ đồng, trong đó VietinBank Hà Nam tài trợ 1.224 tỷ đồng.

BOT cầu Thái Hà chậm tiến độ, VietinBank thu hồi 1.400 tỷ tài trợ vốn... "khó như lên trời"? - Ảnh 4

Tại buổi lễ, Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ nhấn mạnh thiện chí hợp tác, gắn bó lâu dài với Công ty BOT Thái Hà và cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của VietinBank, giải ngân đúng lộ trình, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tài chính ưu đãi nhất để Dự án thực hiện khẩn trương, hoàn thành đúng tiến độ.

Tuy nhiên, theo thông tin tại văn bản số 11202/BGTVT-ĐTCT thì tổng vốn đầu tư của Dự án là 1.671,765 tỷ đồng. Trong đó, số vốn cho vay của ViettinBank đã nâng lên thành 1.425,815 tỷ đồng, tương đương 85,29%.

Theo điều khoản trong hợp đồng, lãi suất vay đối với phần vốn vay ngân hàng trong thời gian khai thác tạm tính là 9%. Về lý thuyết, việc đưa vào thu giá dịch vụ càng sớm, nhà đầu tư BOT càng có thêm cơ hội giảm bớt áp lực trả lãi vay và vốn gốc.

Nếu nhà đầu tư chờ đến 31/12/2017 mới thu, thì lãi vay khoảng 70,229 tỷ đồng; nếu chờ đến 31/3/2018, lãi vay là 94,413 tỷ đồng và chờ đến 30/6/2018, lãi vay sẽ tăng lên tới 119,426 tỷ đồng. Con số này sẽ ngày càng tăng nếu càng lùi thời gian khai thác Dự án.

Với tình hình hiện nay, thời gian Dự án cầu Thái Hà thực hiện thu giá dịch vụ đường bộ sẽ không phải là 16 năm 7 tháng mà sẽ dài hơn. Điều này đồng nghĩa với viêc, ngân hàng ViettinBank sẽ phải mất thời gian lâu hơn để thu hồi số vốn gần 1.500 tỷ từ nhà đầu tư Công ty BOT cầu Thái Hà.

Được biết, VietinBank là một trong số những ngân hàng được các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn "khủng" cho các Dự án BOT hiện nay. Mặc dù các dự án BOT giao thông thường có thời gian thu hồi vốn dài và là lĩnh vực cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro, thế nhưng lại được Vietinbank rót rất nhiều vốn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó ở mỗi Dự án, vốn của ngân hàng này thường chiếm trên dưới 80% tổng mức đầu tư.

 

BOT cầu Thái Hà chậm tiến độ, VietinBank thu hồi 1.400 tỷ tài trợ vốn... "khó như lên trời"? - Ảnh 5>>> Tập đoàn Lã Vọng: Từ bán bia hơi, bành trướng quỹ đất công đến tham vọng đầu tư dự án BT nghìn tỷ

 

BOT cầu Thái Hà chậm tiến độ, VietinBank thu hồi 1.400 tỷ tài trợ vốn... "khó như lên trời"? - Ảnh 6

>>> THƯƠNG TRƯỜNG LIỆT TRUYỆN: Ký sự về một tỷ phú nhiều chuyện

 

- Tôi bảo Trịnh Văn Quyết, ông có thể nói cho tôi biết, vì sao ông giàu, và giàu nhanh lên như thế nào không?

 


Theo
Ánh Phượng

Báo Thời Đại