BVH mất suất VN30: Lộ rõ điểm yếu thanh khoản khó gỡ

BVH bị loại khỏi rổ VN30 vì không thoả mãn các điều kiện về thanh khoản theo bộ nguyên tắc mới của HoSE.

BVH bị loại khỏi rổ VN30

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố kết quả rà soát danh mục chỉ số VN30 quý II/2025, theo đó cổ phiếu BVH chính thức bị loại khỏi rổ chỉ số này và được thay thế bằng DGC. Kết quả được xem là phù hợp với dự báo trước đó từ các tổ chức phân tích, khi BVH không đáp ứng tiêu chí về thanh khoản theo bộ nguyên tắc mới (phiên bản 4.0) của HoSE.

Cụ thể, giá trị giao dịch trung bình 12 tháng gần nhất của BVH chỉ đạt khoảng 26 tỷ đồng/phiên, thấp hơn ngưỡng yêu cầu tối thiểu là 30 tỷ đồng. Ước tính, các quỹ ETF mô phỏng VN30 sẽ bán ra khoảng 310.000 cổ phiếu BVH, đồng thời mua vào khoảng 2 triệu cổ phiếu DGC để cơ cấu danh mục.

Ngay sau khi có thông báo chính thức, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) đã nhanh chóng cập nhật thông tin lên fanpage doanh nghiệp, nhấn mạnh việc gia nhập rổ VN30 không chỉ là một cột mốc về mặt danh tiếng, mà còn mở ra cơ hội tăng nhận diện thị trường, cải thiện thanh khoản và thu hút dòng tiền đầu tư, đặc biệt từ khối ngoại. Cổ phiếu DGC là đại diện duy nhất của ngành hóa chất có trong rổ chỉ số này.

Trong khi đó, BVH từng là một trong số rất ít cổ phiếu ngành bảo hiểm có mặt trong VN30 – rổ đại diện cho 30 cổ phiếu vốn hóa và thanh khoản hàng đầu thị trường. Việc bị loại khỏi rổ chỉ số không chỉ là mất vị thế biểu tượng, mà còn cho thấy những giới hạn nội tại của doanh nghiệp trong việc tiếp cận dòng tiền thị trường. Để có thể quay trở lại, BVH buộc phải cải thiện thanh khoản – yếu tố đang là điểm nghẽn lớn nhất của mã này. Tuy nhiên, thách thức lại không hề nhỏ.

BVH mất suất VN30: Lộ rõ điểm yếu thanh khoản khó gỡ - Ảnh 1

Một trong những nguyên nhân chính khiến thanh khoản của BVH duy trì ở mức thấp là cơ cấu cổ đông cô đặc. Hiện tại, hơn 90% cổ phần của BVH đang nằm trong tay ba cổ đông lớn. Bộ Tài chính – đại diện vốn nhà nước – nắm giữ 482 triệu cổ phiếu, tương đương 65% vốn điều lệ; SCIC nắm 2,98%, và Sumitomo Life (Nhật Bản) – cổ đông chiến lược – nắm giữ 22,09%. Điều này đồng nghĩa chỉ khoảng 73,7 triệu cổ phiếu BVH đang được giao dịch tự do trên thị trường, chủ yếu thuộc sở hữu của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Bản thân doanh nghiệp cũng từng hé lộ kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống còn 51% từ năm 2026 trở đi, thông qua tăng tỷ lệ góp vốn của cổ đông khác và/hoặc phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, các thông tin về việc thực hiện phương án vẫn chưa được công bố rõ ràng.

Nếu lựa chọn phát hành riêng lẻ, cổ phiếu mới phát hành nhiều khả năng sẽ tiếp tục rơi vào tay các tổ chức lớn, khiến dòng chảy cổ phiếu ra thị trường vẫn bị hạn chế trong ngắn hạn – nhất là khi áp dụng quy định về thời gian "giam lệnh" với cổ phiếu phát hành riêng lẻ.

Cổ phiếu bảo hiểm: Giá trị phòng thủ, hạn chế dòng tiền

Bên cạnh yếu tố sở hữu cô đặc, bản chất ngành bảo hiểm cũng không phải là lựa chọn ưa thích của dòng tiền đầu cơ. Theo giới phân tích, cổ phiếu ngành bảo hiểm thường mang tính phòng thủ, có tỷ trọng nhỏ trong chỉ số VN-Index, ít biến động và ít có những nhịp tăng giá mạnh như nhóm ngân hàng, bất động sản hay dịch vụ tài chính.

Cổ phiếu bảo hiểm vì thế phù hợp với nhà đầu tư dài hạn theo đuổi sự ổn định, hơn là các nhà đầu tư ngắn hạn tìm kiếm sóng ngắn. Đây là một yếu tố khiến thanh khoản của nhóm ngành này nói chung – và BVH nói riêng – thường ở mức thấp. Thực tế, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên của BVH hiện chỉ khoảng hơn 600.000 đơn vị, khá khiêm tốn nếu so với các cổ phiếu bluechip khác trong rổ VN30.

Một điểm sáng là diễn biến giá cổ phiếu BVH đã cải thiện tích cực thời gian gần đây. Từ vùng đáy tháng 4/2025, BVH đã tăng khoảng 37%, từ mức 39.100 đồng/cổ phiếu lên 53.500 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, nếu tính từ đầu năm, mức tăng chỉ vào khoảng 4% – một con số khá khiêm tốn so với đà phục hồi chung của thị trường.

Trong bức tranh toàn ngành, thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới, khi ngày càng có nhiều định chế tài chính lớn tham gia cuộc chơi. Diễn biến này có thể tạo ra cú huých cả về triển vọng lẫn thanh khoản cho nhóm cổ phiếu bảo hiểm trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, sự sôi động cũng đi kèm với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nhiều “tay chơi” mới đồng nghĩa với áp lực lớn hơn về thị phần, chi phí khai thác và đổi mới sản phẩm.

Hải Đường

Theo Vietnamfinance