VFS: 'Dòng tiền ngoài thị trường còn rất lớn, sốt ruột chờ nhịp điều chỉnh'
Theo đánh giá của chuyên gia Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS), dòng tiền trên thị trường chứng khoán hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ, tiến sát mức đỉnh năm 2021. Tuy nhiên, lượng vốn đứng ngoài thị trường vẫn còn rất lớn và đang chờ đợi một nhịp điều chỉnh để tham gia.
Cấu trúc thị trường đã thay đổi
Trong nửa đầu năm 2025, VN-Index ghi nhận sự phục hồi và tăng điểm tích cực, đặc biệt sau sự kiện thuế quan hồi tháng 4. Dòng tiền nhập cuộc mạnh, tương đương với giai đoạn tăng trưởng 2021–2022, đã tạo quán tính cho một chu kỳ tăng giá mới.
Tại Hội thảo Chứng khoán nửa cuối năm 2025 với chủ đề “Định hình chu kỳ tăng giá mới từ nội lực kinh tế”, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS), nhận định thị trường đã phá vỡ cấu trúc tích lũy của năm 2024 và đang bước vào một xu hướng tăng giá dài hạn. Theo ông, cấu trúc thị trường đã chuyển từ trạng thái đi ngang (sideway), đi ngang xu hướng tăng (sideway up) sang pha tăng trưởng rõ rệt (uptrend).

Xét về mặt biến động, ông Hoàng cho rằng, sự kiện thuế quan được xem như một yếu tố “thiên nga đen” ở góc độ vĩ mô, song ở góc độ thị trường, VN-Index thực tế đã trải qua một quá trình tích lũy đủ dài và hiện đang trong giai đoạn "rũ bỏ", tạo đà cho sóng tăng tiếp theo.
“Bối cảnh hiện tại có nhiều điểm tương đồng với chu kỳ 2019–2020: tích lũy dài, xuất hiện một nhịp điều chỉnh mạnh đầu năm, rồi bước vào con sóng tăng dài và bền vững,” ông nói.
Thanh khoản thị trường cũng ghi nhận những thay đổi rõ rệt. Trong giai đoạn đi ngang, có thời điểm thanh khoản giảm chỉ còn khoảng 7.000 tỷ đồng/phiên. Nhưng ở thời điểm hiện tại, dòng tiền vào thị trường đang liên tục tăng mạnh, từ 20.000 tỷ đồng lên 28.000 tỷ đồng, thậm chí đạt 34.000 tỷ đồng.
“Dòng tiền ở giai đoạn hiện tại đang tăng rất nhanh, gần quay về đỉnh cũ năm 2021. Tuy nhiên, dòng tiền đứng ngoài vẫn còn nhiều và đang chờ đợi một nhịp điều chỉnh. Tôi tin rằng nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt bên ngoài thị trường lúc này đang rất sốt ruột,” ông Hoàng nhận định.
Cũng theo ông, sự thay đổi trong dòng tiền và cấu trúc thị trường đang kéo theo sự thay đổi hành vi đầu tư. Nếu trong giai đoạn sideway hoặc sideway up, nhà đầu tư thường áp dụng chiến lược “mua đáy bán đỉnh”, với các nhịp điều chỉnh theo hình răng cưa diễn ra trong khoảng một tháng, thì khi thị trường bước vào uptrend, hành vi đầu tư sẽ chuyển sang “mua cao, bán cao”.
“Ở giai đoạn uptrend, nhịp điều chỉnh thường diễn ra nhanh và phục hồi cũng rất nhanh. Thị trường sẽ đánh mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ở giai đoạn đầu, kéo theo điểm số. Khi dòng tiền dồi dào hơn, sự lan tỏa sẽ diễn ra trên diện rộng, tạo ra các nhịp bùng nổ ở nhiều nhóm ngành,” ông Hoàng phân tích.
Nhịp điều chỉnh là cơ hội, không phải rủi ro
Khi thị trường đã bước vào giai đoạn uptrend, việc dự báo điểm điều chỉnh là rất khó. Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng một số yếu tố có thể tạo tiền đề cho nhịp điều chỉnh xảy ra. Chẳng hạn, VN-Index hiện chưa vượt đỉnh cũ, trong khi VN30 đã thiết lập mức cao mới; thị trường đang bước vào mùa báo cáo tài chính và các thông tin về thuế quan vẫn còn chưa rõ ràng.
Đại diện VFS cho biết, một nhịp điều chỉnh hoặc phân hóa có thể xuất hiện khi thanh khoản thị trường tiến sát mốc 40.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: “Đây là cơ hội hay rủi ro, sẽ phụ thuộc vào góc nhìn của nhà đầu tư. Trong một chu kỳ tăng giá, những nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa định giá về mức hợp lý, chuẩn bị cho pha tăng tiếp theo”. Trong trường hợp thị trường được nâng hạng lên thị trường mới nổi, câu chuyện định giá cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng, có thể nâng lên mức P/E khoảng 20 lần.
Trong bối cảnh “tiền rẻ” được duy trì với nhiều cải cách mạnh mẽ mới về chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng thị trường chứng khoán đang bước vào một “Megatrend” trong nửa cuối năm 2025. Với kỳ vọng nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ với những cơ hội mới, dòng tiền tiếp tục nhập cuộc mạnh mẽ, ông Hoàng kỳ vọng VN-Index sẽ hướng đến vùng 1.600 điểm, tương ứng với mức P/E kỳ vọng từ 13 lên 15 lần.
Với những xu hướng kinh tế lớn, nhiều nhóm ngành trên thị trường đang được hỗ trợ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản đang thu hút dòng tiền, vẫn có mức định giá hấp dẫn và nhận được sự hỗ trợ mạnh của các chính sách mới được đánh giá là còn nhiều dư địa tăng giá.