Lập Công ty Bù trừ chứng khoán Việt Nam, áp dụng thanh toán bù trừ trung tâm
Cơ chế CCP đảm bảo tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả của quá trình thanh toán bù trừ, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng tốt hơn thông lệ quốc tế.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã công bố Kế hoạch triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (Central Counterparty Clearing – CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở, hướng tới hoàn thiện hạ tầng thanh toán hiện đại, đồng bộ và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Theo kế hoạch, các công tác hoàn thiện khung pháp lý và chuẩn bị thành lập công ty con của VSDC sẽ được triển khai ngay từ quý III/2025. Cụ thể, Cục QLKTKT sẽ phối hợp cùng UBCKNN và VSDC ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 89/2019/TT-BTC ngày 26/12/2019 của Bộ trường Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng đổi với VSDC để hướng dẫn hạch toán kế toán cho nghiệp vụ kế toán phát sinh khi triển khai cơ chế CCP. Quá trình này dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2026.

Song song, UBCKNN sẽ phối hợp với VSDC và các đơn vị liên quan để xây dựng Đề án thành lập Công ty TNHH MTV Bù trừ Chứng khoán Việt Nam – đơn vị thành viên trực thuộc VSDC – với chức năng vận hành cơ chế CCP. Đồng thời, phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VSDC cũng sẽ được trình Bộ Tài chính xem xét phê duyệt. Hai công việc trọng yếu này dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý IV/2025.
Các công việc liên quan sẽ được thực hiện gối đầu với mục tiêu đến quý I/2026, Công ty TNHH MTV Bù trừ Chứng khoán Việt Nam chính thức được thành lập, có điều lệ hoạt động và các quy chế vận hành cụ thể.
Sang năm 2026, UBCKNN sẽ ban hành thông tư thay thế Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài hcinsh quy định hướng dẫn hoạt động lưu ký, thanh toán giao dịch chứng khoán. Văn bản này dự kiến được ban hành trong nửa đầu năm 2026.
Trong suốt năm 2026, VSDC sẽ chủ trì triển khai toàn bộ công tác chuẩn bị kỹ thuật: cấp giấy chứng nhận thành viên bù trừ, đào tạo – tập huấn cho các thành viên thị trường, kiểm thử hệ thống, rà soát và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng vận hành cơ chế CCP.
Dự kiến, đến quý I/2027, cơ chế CCP sẽ chính thức được đưa vào vận hành trên thị trường chứng khoán cơ sở. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc cải cách hệ thống thanh toán và kiểm soát rủi ro của thị trường tài chính.
Cơ chế CCP về bản chất là thiết lập một tổ chức trung gian đứng giữa các bên giao dịch chứng khoán. Khi giao dịch được khớp lệnh, tổ chức vận hành CCP – trong tương lai là Công ty TNHH MTV Bù trừ Chứng khoán Việt Nam – sẽ trở thành người mua đối với người bán và là người bán với người mua. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi bên tham gia giao dịch chứng khoán chỉ có nghĩa vụ với CCP, chứ không trực tiếp với bên đối tác.
Cơ chế này đồng thời cho phép thực hiện bù trừ đa phương, tính toán nghĩa vụ ròng (netting), từ đó giảm số lượng giao dịch cần thanh toán thực tế, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả vận hành. Quan trọng hơn, CCP giúp giảm thiểu rủi ro hệ thống: nếu một bên mất khả năng thanh toán, CCP vẫn bảo đảm giao dịch được hoàn tất nhờ quỹ bảo đảm và các cơ chế an toàn tài chính đi kèm.
Thông tin về kế hoạch triển khai cơ chế CCP được giới đầu tư chờ đợi từ lâu, bởi đây không chỉ là nền tảng để gia tăng an toàn thanh toán trong thị trường chứng khoán, mà còn là cơ chế giúp kiểm soát rủi ro liên thị trường và nâng tầm chất lượng toàn bộ hệ sinh thái tài chính quốc gia. CCP được kỳ vọng sẽ là một giải pháp mang tính chiến lược trong tiến trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Tại Hội thảo “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, ông Bùi Hoàng Hải – Phó chủ tịch UBCKNN – từng nhấn mạnh rằng việc xây dựng cơ chế CCP là một bước đi “dài hơi” trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán. Theo ông, UBCKNN đã phối hợp với VSDC để hoàn thiện lộ trình triển khai CCP, với thời gian chuẩn bị kéo dài từ một đến một năm rưỡi.
Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý, CCP chỉ là một trong nhiều điều kiện cần để nâng hạng thị trường. Khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn, vấn đề quan trọng là: họ sẽ đầu tư vào đâu?
Theo đó, Việt Nam cần đồng thời cải thiện nhiều yếu tố nền tảng khác: tăng cường minh bạch thông tin; phát triển các sản phẩm đầu tư bền vững, đáp ứng tiêu chí ESG; và cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, việc mở tài khoản thanh toán và tài khoản đầu tư gián tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài đã thuận lợi hơn đáng kể.
Tuy vậy, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán theo tiêu chuẩn MSCI, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có vấn đề về sở hữu nước ngoài và thị trường ngoại hối.
“Hiện có hơn 400 doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ sở hữu nước ngoài bằng 0. Khi thị trường nâng hạng, nếu không còn room, thì nhà đầu tư nước ngoài cũng khó có cơ hội tiếp cận,” ông Bùi Hoàng Hải cho hay.
Phó chủ tịch UBCKNN chỉ rõ hai vướng mắc chính: thứ nhất, quy định về room ngoại vẫn quá phức tạp, nhiều ngành không cần thiết nhưng vẫn áp trần sở hữu; thứ hai, nhiều doanh nghiệp đăng ký quá nhiều ngành nghề không thực sự hoạt động, khiến họ bị hạn chế không đáng có trong việc thu hút vốn ngoại.
“Doanh nghiệp cần chủ động rà soát lại ngành nghề đăng ký khi có nhu cầu huy động vốn giá rẻ từ nước ngoài. Việc giữ lại những ngành nghề “dự phòng” nhưng không sử dụng đến, lại khiến mất cơ hội tiếp cận dòng vốn quốc tế, là một sự lãng phí không đáng có,” ông Hải nhấn mạnh.