TTCK Việt Nam: '95% nhà đầu tư cá nhân thua lỗ, bỏ chạy sau 2 năm'

Dù chiếm gần như toàn bộ số lượng tài khoản và phần lớn thanh khoản thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn thua lỗ là chủ yếu.

Theo số liệu của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tính đến ngày 30/6/2025, thị trường chứng khoán có 10,2 triệu tài khoản giao dịch. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 99,82% và đóng góp tới hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường. Những con số này phản ánh vai trò chi phối của các nhà đầu tư cá nhân đối với sự vận hành và phát triển của thị trường chứng khoán.

Đây cũng là nôi dung được tập trung thảo luận tại hội thảo “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng nay, 17/7/2025.

Tuổi thọ của nhà đầu tư chứng khoán chỉ vỏn vẹn 2 năm

Mặc dù đóng góp hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường, nhà đầu tư cá nhân lại đang là nhóm yếu thế nhất. Theo bà Nguyễn Ngọc Linh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE, 95% nhà đầu tư cá nhân đang thua lỗ.

“Tuổi thọ trung bình của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán rất ngắn. Họ chỉ tham gia khoảng 2 năm rồi rời bỏ thị trường vì thua lỗ”, bà Linh cho hay.

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Tổng giám đốc DNSE (Ảnh: Nhà đầu tư)
Bà Nguyễn Ngọc Linh, Tổng giám đốc DNSE (Ảnh: Nhà đầu tư)

Tổng giám đốc DNSE chỉ ra, đặc điểm thường thấy tại các nhà đầu tư cá nhân là tập trung vào các cơ hội ngắn hạn, có xu hướng tin tưởng vào trực giác và kinh nghiệm cá nhân nhiều hơn là lời khuyên từ chuyên gia. Nhận định, phán đoán của nhóm này mang cái tôi cao. Thông tin từ chuyên gia hay các công ty chứng khoán chỉ là một phần trong quá trình ra quyết định của của họ. Hầu hết cảm xúc hay hành động của nhà đầu tư cá nhân đang bị chi phối bởi yếu tố tâm lý và đám đông

“Khi đi làm thị trường, phát triển nhà đầu tư cá nhân, chúng tôi cảm thấy thật đáng tiếc khi các nhà đầu tư đã được tiếp cận tới cơ hội tăng trưởng tài sản mà phải từ bò sau 2 năm 'bơi' trong thị trường mà không có nơi để tiếp sức”, bà Linh trăn trở.

Đây cũng là điều được ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV VSDC chia sẻ. Theo ông Sơn, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 10 triệu tài khoản của 7 triệu nhà đầu tư, có tới 99,78% là tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân. Điều này phản ánh tâm lý, tính cách người Á Đông, đó là thích tự đầu tư, thích tự chịu trách nhiệm rủi ro, chấp nhận cuộc chơi và quan ngại khi đầu tư thông qua các định chế khác.

“Nhà đầu tư cá nhân với khả năng phân tích, quản trị rủi ro và năng lực tài chính có hạn chế nhất định, lại bị chi phối bởi lý thuyết tài chính hành vi, có xu hướng đầu tư phong trào, tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Khả năng chống đỡ rủi ro của họ khi thị trường có biến động không cao bằng các định chế, làm cho mức độ phức tạp của thị trường càng lớn hơn. Thị trường lên nhanh, xuống cũng nhanh, chủ yếu là do lượng nhà đầu tư cá nhân lớn”, ông Nguyễn Sơn phân tích.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV VSDC (Ảnh: Nhà đầu tư)
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV VSDC (Ảnh: Nhà đầu tư)

Nâng tầm nhà đầu tư để nâng hạng và trụ hạng

Trước thềm mục tiêu nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển biến rõ rệt trong tâm lý của nhà đầu tư cá nhân. Nhóm chiếm tỷ trọng áp đảo về số lượng và thanh khoản này đang thể hiện sự hào hứng và tâm thế sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới.

“Có thể nói, tâm trạng của nhà đầu tư cá nhân hiện tại đang rất háo hức và sẵn sàng cho giai đoạn mới này của thị trường”, bà Nguyễn Ngọc Linh cho hay.

Theo đó, các chuyên gia tại Hội thảo đều thống nhất quan điểm rằng, nâng cao nhận thức nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, hướng tới nâng hạng và trụ hạng.

Từ góc độ công ty chứng khoán, vốn là bên giao tiếp trực tiếp với nhà đầu tư, bà Nguyễn Ngọc Linh cho hay, DNSE xác định rõ vai trò của mình không chỉ là cung cấp nền tảng giao dịch mà còn phải là đơn vị đồng hành trong quá trình nâng cao nhận thức tài chính.

“Để tiếp cận thế hệ nhà đầu tư mới, đặc biệt là gen Z, chúng tôi không thể tiếp tục dùng phương pháp cũ. DNSE đang đổi mới cách truyền đạt kiến thức tài chính bằng các định dạng sáng tạo, thân thiện và gần gũi hơn,” bà Linh cho biết.

Thay vì chỉ dựa vào hội thảo hay lớp học offline truyền thống, DNSE chọn sử dụng comic (truyện tranh), animation (hoạt hình), video ngắn, đồng thời hợp tác với KOLs, KOCs và influencers để đưa những kiến thức tưởng như khô khan trở nên dễ hiểu, sống động và hấp dẫn hơn.

Cùng với đó, DNSE còn cung cấp thông tin chuyên sâu giúp nhà đầu tư nhận diện xu hướng thị trường, phân tích dấu chân dòng tiền chuyên nghiệp, và trở thành cầu nối để nhà đầu tư cá nhân hiểu rõ hơn về quá trình nâng hạng thị trường qua các nội dung cô đọng, dễ tiếp cận.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSDC nhấn mạnh rằng việc nâng cao nhận thức nhà đầu tư không chỉ là trách nhiệm riêng của UBCKNN mà là nhiệm vụ chung của toàn thị trường, từ các hiệp hội ngành nghề, công ty chứng khoán cho đến các công ty quản lý quỹ. Ông Sơn dẫn chứng bài học từ thị trường Đài Loan, dù đã được nâng hạng thành công nhưng vẫn liên tục đầu tư cho chương trình đào tạo nhà đầu tư cá nhân như một phần thiết yếu để giữ ổn định dài hạn.

“Cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục tài chính thông qua cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, tận dụng công nghệ và nền tảng số. Đồng thời, phải thúc đẩy phát triển các định chế tài chính như quỹ đầu tư và bảo hiểm. Trước đây, chúng ta từng có bước phát triển đáng kể với quỹ hưu trí tự nguyện, nhưng gần đây thị trường lại chững lại. Trong khi đó, đây chính là một trụ cột an sinh quan trọng – kênh tích lũy vốn ổn định và dài hạn cho nền kinh tế,” ông Sơn nói.

Theo vị chuyên gia, để thu hút dòng tiền vào các định chế chuyên nghiệp, điều kiện tiên quyết là có chính sách ưu đãi thuế, phí đủ hấp dẫn. Thực tế hiện nay, đầu tư cá nhân trực tiếp lại có lợi hơn về thuế phí so với đầu tư qua quỹ – điều này tạo ra rào cản trong việc chuyển dịch dòng tiền theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Thái Hà

Theo Vietnamfinance