Các công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn
Thị trường chứng khoán thăng hoa, nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào chơi chứng khoán suốt từ cuối năm 2011, số lượng tài khoản mới mở đạt kỷ lục. Điều đó đã giúp cho nhiều công ty chứng khoán gặt hái kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 1/2021.
Từ đầu năm tới nay, tin tức về việc tăng vốn của các công ty chứng khoán là một điểm đáng chú ý trên thị trường tài chính. Hoạt động tăng vốn của các công ty chứng khoán chủ yếu nhằm bổ sung nguốn vốn cho vay giao dịch ký quỹ (margin), gần đây tăng trưởng nóng theo nhu cầu của nhà đầu tư. Tính đến ngày 28/2/2021, tín dụng kinh doanh chứng khoán là 42.590 tỷ đồng theo công bố của Ngân hàng Nhà nước.
Việc tăng vốn đồng loạt này được giải thích do sức nóng của thị trường chứng khoán trong suốt thời gian qua, thu hút thêm nhiều thành phần trong xã hội tham gia, dẫn đến cơn khát vay margin của các nhà đầu tư đang cao hơn bao giờ hết, nên các công ty thuộc ngành này cũng buộc phải đẩy mạnh tăng vốn để đáp ứng nhu cầu, nhất là đối với các Công ty chứng khoán nội địa khi thời gian qua các Công ty chứng khoán có vốn nước ngoài đã tăng vốn rất mạnh và gây ra áp lực cạnh tranh rất lớn.
Công ty cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) thông qua kế hoạch chào bán 94 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, nhằm tăng vốn điều lệ từ 60 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng, tức tăng gấp hơn 16 lần.
Công ty Chứng khoán SSI (SSI) tăng vốn lên 11.000 tỷ đồng duy trì vị thế là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất và giữ khoảng cách khá cách biệt với các công ty còn lại.
Công ty Chứng khoán (CTCK) Đại Nam (DNSE) cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 160 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng.
Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) dự kiến phát hành 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn thêm 2.135 tỉ đồng.
Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) phát hành hơn 220 triệu cổ phiếu mới nhằm tăng vốn lên gấp đôi, từ mức 2.145 tỉ đồng lên gần 4.400 tỉ đồng.
Công ty Chứng khoán HDB (HDBS) đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phương án phát hành 71,3 triệu cố phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI) cũng thông qua kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi, từ 1.656 tỉ đồng lên 3.330 tỉ đồng.
Công ty Chứng khoán Everest (EVS) sẽ chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 600 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng,
Công ty Chứng khoán MB (MBS) sẽ tăng vốn thêm 1.643 tỉ đồng lên 2.676 tỉ đồng.
Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) chuẩn bị tăng vốn điều lệ lên 802,5 tỷ đồng
Bộ phận nghiên cứu của JP Morgan vừa ra báo cáo cập nhật mục tiêu VN-Index lên 1.400 điểm (từ mức 1.200 điểm) và MSCI Vietnam lên 1.100 điểm (từ 1.000) vào thời điểm kết thúc năm 2021. Ở mức này, VN-Index sẽ giao dịch ở mức PE ước tính 17,5x cho năm 2021.
Động lực cho dự báo này đến từ xu hướng gia tăng lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp tiếp tục trong giai đoạn 2022 – 2023, tiềm năng nâng hạng lên thị trường mới nổi và sự quay trở lại của dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo, một chu kỳ kinh doanh đang diễn ra mạnh mẽ, các chính sách hỗ trợ sự thay đổi cấu trúc, giảm rủi ro từ gián đoạn COVID-19 và khả năng các chuyến bay quốc tế trở lại trong nửa cuối 2021.