Các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn
Các doanh nghiệp bất động sản trong quý 1/2023 vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý giảm.
Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo cho biết, nguồn cung nhà ở thương mại trong quý 1/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý 4/2022.
Theo đó, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý là 17 dự án; dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 52 dự án; dự án hoàn thành trong quý là 14 dự án.
Đối với phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, trong quý 1, cả nước chỉ có một dự án với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới; có 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; có 4 dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.
Cũng theo số liệu Bộ Xây dựng công bố, phân khúc căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong quý đầu năm ghi nhận 39.133 giao dịch thành công tại các địa phương. Phân khúc đất nền ghi nhận 67.268 giao dịch thành công.
Trả lời tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thừa nhận trong quý 1, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.
“Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tổ chức các hội nghị, cuộc đối thoại… để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt là Nghị quyết 33 của Chính phủ đã đưa ra quan điểm, biện pháp tháo gỡ cụ thể cho thị trường” - ông Sinh nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh vừa qua Chính phủ đã ban hành đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Hiện các địa phương đang tích cực vào cuộc triển khai với hơn 300 dự án có quy mô khoảng 400.000 căn hộ.
Bên cạnh đó là gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Hiện nay, phía ngân hàng đã có hướng dẫn cụ thể về điều kiện, cách thức vay, mức lãi suất và các ngân hàng tham gia chương trình đang tích cực triển khai thực hiện.
“Liên quan đến danh mục dự án được vay, thời gian qua bộ đã báo cáo với Chính phủ, ủy quyền cho UBND tỉnh công bố tại địa phương đối với các dự án đủ điều kiện. Trên cơ sở đó, ngân hàng giải ngân theo yêu cầu. Mục tiêu là để rút ngắn quy trình, thủ tục để phía ngân hàng giải ngân được nhanh nhất” - ông Sinh thông tin.
Về phía các doanh nghiệp, theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản trong quý 1/2023 vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh tăng.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại... một đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản chia sẻ.
Hiện các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.